• Trận địa pháo 105mm và câu chuyện cảm động của Đại đội 806
  • Thời gian đăng: 23/03/2020 10:00:10 AM
  • Trận địa pháo 105mm của Đại đội 806, Trung đoàn 45, Đại đoàn 351 là một trong những trận địa pháo được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây cũng là trận địa pháo được xây dựng kiên cố, kín đáo và đảm bảo an toàn, bí mật nhất từ khi được di chuyển tới địa điểm chiến đấu cho đến ngày chiến thắng. Vị trí trận địa pháo nằm ở bản Nà Lơi, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, cách trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 7km về phía Đông Bắc.
  • du-kh-ch-tham-quan1.jpg

    Du khách tham quan di tích trận địa pháo 105mmm

    Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo 105mm lần đầu xuất trận, đây là loại  vũ khí hạng nặng mặt đất đầu tiên mà quân đội ta sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Với nhiều tính năng ưu việt, sức công phá đạt hiệu quả cao, gây nhiều bất ngờ cho quân đối phương và mang lại những chiến thắng quan trọng trong trận đánh quyết định của cuộc kháng chiến chống Pháp.

    ph-o-105mm.jpg

    Hình ảnh pháo 105 mm

    Quyết định đưa pháo 105mm vào tham chiến cũng là một quyết định táo bạo. Con đường lên Điện Biên Phủ gian nan, vận chuyển hậu cần đã khó, đối với một loại vũ khí nặng hơn 2 tấn lại càng khó hơn. Với quyết tâm giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược này, ta đã khắc phục mọi khó khăn để đưa pháo vào trận địa.

    Ngày 21/12/1953, cùng với toàn bộ lực lượng pháo binh, Trung đoàn 45 hành quân lên Điện Biên Phủ chuẩn bị cho chiến dịch. Pháo được vận chuyển hoàn toàn bằng ô tô và tập kết ở Tuần Giáo, chờ con đường đi từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ được hoàn thiện. Sau 1 tháng, con đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ hoàn thành, pháo tiếp tục được vận chuyển đến cửa rừng Nà Nham, xã Nà Nhạn, rồi từ đây pháo bắt đầu được kéo hoàn toàn bằng sức người lên các triền núi xung quanh lòng chảo. Nhận thấy rõ sức mạnh của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, so sánh lực lượng giữa ta và địch ngày càng thay đổi và những khó khăn khi thực hiện phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công, kéo pháo quay trở ra để chuẩn bị theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Các khẩu pháo lại nhất loạt quay đầu trở về vị trí an toàn. Các chiến sĩ tiếp tục mở đường, làm hầm pháo cho chắc chắn hơn rồi vận chuyển pháo vào chờ ngày nổ súng.

    Trận địa pháo của Đại đội 806 được xây dựng gồm 4 khẩu pháo 105mm bố trí cách nhau từ 50 đến 70m, mỗi khẩu pháo có 7 pháo thủ. Đài quan sát được đặt giữa trận địa pháo, có nhiệm vụ quan sát mục tiêu đối phương và tính toán cự ly, ra hiệu bằng đèn nháy tính theo giây.

    Hầm pháo được làm kiên cố vững chắc, mỗi hầm pháo phải đào từ 200 đến 300 m3 đất đá rồi đắp lên nóc hầm dày từ 3 đến 4m bằng nhiều lớp đất xen với lớp bó trúc. Gỗ dùng để ốp nóc hầm có đường kính từ 30cm trở lên. Toàn bộ số gỗ phải lấy cách 9 - 10km để không làm lộ trận địa.

    Cứ bốn khẩu đội lại có chung một hầm làm nơi hội họp hoặc nghỉ ngơi. Nối liền các hầm pháo là hào giao thông khá rộng và sâu, có rãnh thoát nước và hố tránh bom Napal. Có cả đường hào nối từ trận địa pháo về tuyến cung cấp, nơi có đủ hầm ăn, hầm ở, hầm thương binh, hầm nấu ăn, hầm giấu xe…

    Bên mỗi trận địa thật đều có những trận địa giả để đánh lạc hướng, phân tán hỏa lực và tiêu hao bom đạn của chúng. Mỗi khi pháo ta bắn thì các trận địa giả phải cho nổ bộc phá với mức tiếng nổ, mức khói bốc lên hệt như nơi pháo phát hỏa, địch không thể phân biệt được trận địa pháo thật và trận địa giả.

    Ngày 13/3/1954, ta khai hỏa tấn công Trung tâm đề kháng Him Lam, mở màn chiến dịch. Đúng 17 giờ 05, Đại đội lựu pháo 806 bắn loạt đạn pháo 105mm đầu tiên vào các vị trí đã định. Các pháo thủ của Đại đội 806 đã bắn chính xác vào Sở Chỉ huy trung tâm đề kháng Him Lam, làm sập hầm chỉ huy của địch, tiêu diệt tại chỗ Tiểu đoàn trưởng Pegeux (pêgo) và 3 sỹ quan, cùng toàn bộ điện đài bị cắt đứt, Him Lam mất liên lạc với Trung tâm Mường Thanh. Chớp thời cơ, bộ binh ta xông lên tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn Trung tâm đề kháng Him Lam vào lúc 20 giờ 30 phút. 3 giờ sáng ngày 15/3/1954, Đại đội 806 cùng các đại đội khác của Trung đoàn 45 tiếp tục nã đạn pháo 105mm mở đường cho bộ binh tấn công cứ điểm Độc Lập. Đến 6 giờ 30 phút sáng cứ điểm Độc Lập thất thủ. Trung tá Piroth chỉ huy pháo binh địch, người đã từng huyênh hoang sẽ “khóa họng pháo Việt Minh trong 5 phút”, đã tự sát bằng một trái lựu đạn do quá bất lực trước sức mạnh những đường bắn bậc thầy của đối phương.

    Sau đợt 1, để phát huy tầm bắn hiệu quả cho trận địa pháo, ta di chuyển các trận địa khác lên phía trước sát địch. Riêng Đại đội 806 do có vị trí tốt, kín đáo, phát huy hỏa lực tốt nên vẫn trụ lại đến ngày chiến thắng. Trong trận tiêu diệt cứ điểm C1 từ ngày 30/3/1954, Đại đội 806 được bố trí phối thuộc với các đơn vị bộ binh của Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tiếp tục lập những thành tích xuất sắc, tiêu diệt các vị trí trọng yếu của địch.

    Có thể nói lực lượng pháo binh của ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tác chiến mà Bộ Chỉ huy chiến dịch đã giao. Thành tích và chiến công của pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có Đại đội 806 xuất kích trong trận mở màn, đã đánh dấu một bước phát triển về nghệ thuật sử dụng pháo binh, góp phần quan trọng vào toàn thắng cho chiến dịch.

    Trên mảnh đất Điện Biên Phủ hôm nay mỗi di tích, mỗi sự kiện lịch sử đều là những nhân chứng sống động về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ” trong đó có di tích trận địa pháo 105mm của Đại đội 806.

    bia-di-tich-tr-n-a-ph-o-105mmm2.jpg

    Bia Di tích trận địa pháo 105

    Năm 2006, Ban Quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ đã thực hiện tôn tạo lại một số hạng mục quan trọng tại điểm di tích trận địa pháo của Đại đội 806 như: Đặt biển chỉ dẫn đường vào di tích, dựng bia di tích. Khu vực bảo vệ di tích có hàng rào kiên cố, bên trong xây dựng hệ thống công sự cho pháo gồm hầm chỉ huy, 2 hầm pháo th, 2 hầm pháo 105mm, 1 hầm đạn và giao thông hào nối liền các công sự này. Bên ngoài hầm được ốp bê tông giả thân cây gỗ. Trong 2 hầm pháo có đặt 2 khẩu pháo 105mm.

    Đến với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hôm nay, du khách sẽ được tham quan khẩu pháo 105 mm, bức tranh của họa sỹ Phạm Thanh Tâm “Xuân trong hầm pháo”, và được nghe về một câu chuyện vô cùng cảm động của đại đội 806. Đó là sau chiến thắng Him Lam, đội văn công của đại đoàn 351 được lệnh đến biểu diễn văn nghệ phục vụ các chiến sỹ ở các đơn vị. Buổi tối ngày 14/3/1954 ngay trong hầm pháo của đại đội 806. Anh em pháo thủ mở càng khẩu pháo 105mm dọn chỗ cho văn công biểu diễn. Bốn cô gái mặc áo tứ thân uyển chuyển thướt tha trong điệu múa Tây Bắc, bên cạnh là khẩu pháo đang hướng nòng qua lỗ châu mai khiến căn hầm còn vương mùi thuốc súng bỗng trở nên thơ mộng. Các chàng lính trẻ ngồi trên càng pháo vừa xem văn công vừa trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, ánh mắt của họ như chứa cả mùa xuân Tây Bắc. Trong khung cảnh đó họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã nảy ra ý tưởng vẽ lại những chi tiết này làm kỷ niệm nhưng ngay đêm đó phải trở về nhận nhiệm vụ. Họa sĩ từng chia sẻ: “Dăm hôm sau, tôi quay lại. Ở chiến trường, dăm hôm cũng là rất lâu. Vì chiến đấu luôn luôn có biến cố, biến chuyển tình thế. Thật không thể ngờ “mái nhà ấm cúng” của khẩu đội đã bị một viên đạn pháo vô tình lọt vào nổ tung. Ba đồng chí Tý, Lộc, Giao hy sinh, Ngọ bị thương nặng, càng pháo bị gãy. Đêm đó tôi ngủ lại trong hầm pháo - ngôi nhà cũ thân thương với giấc ngủ nặng nề, trằn trọc. Tôi đã khóc, khóc như chưa từng được khóc”. Một nỗi buồn xâm chiếm tâm can thôi thúc họa sĩ  Phạm Thanh Tâm hoàn thành bức tranh này. Tác giả đã tặng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tờ báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận ngày 10/3/1954 và cuốn nhật kí viết tay trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

    baotangsohavn2-ef28d-crop1387611221138p.jpg

     Họa sĩ Phạm Thanh Tâm trao tặng tranh cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 2014 (ảnh Soha.vn)

  • Tác giả: Thùy Dương