• Khăn Piêu trong văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái
  • Thời gian đăng: 03/09/2019 08:23:00 AM
  • Chiếc khăn Piêu là một trong những sản phẩm thổ cẩm nổi tiếng nhất của đồng bào dân tộc Thái, một đặc trưng văn hóa biểu hiện những giá trị tinh thần, vật chất được đúc kết, trao truyền qua nhiều thế hệ người Thái.

    2.jpg

    Các cô gái Thái đội khăn Piêu (ảnh internet)

    Piêu trong tiếng Thái có nghĩa là khăn đội đầu. Chiếc khăn Piêu mang biểu tượng tinh thần, đồng thời là vật dụng được sử dụng hàng ngày của phụ nữ Thái như: Khăn Piêu che đầu khi mưa, khi nắng, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh; là phụ kiện không thể thiếu của các cô gái Thái, nhất là trong lúc đi chơi, dự lễ hội, tham gia múa xoè, nhảy sạp. Giống như chiếc nón của người Kinh, khăn Piêu gắn bó với người phụ nữ Thái mọi lúc, mọi nơi, mang giá trị về tinh thần, truyền thống của văn hóa Thái. Cùng với váy, áo, nón đội, thắt lưng, Piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái.

    4.jpg

    Các cô gái Thái vui chơi trong ngày hội (ảnh internet)

    Trong đời sống tình cảm của người Thái, khăn Piêu là vật truyền tin, là tình cảm của đôi lứa hẹn hò. Trong ngày xuân, ngày hội vui của bản mường, trai gái ném còn không bắt được phải đền vòng bạc hay khăn Piêu làm vật hẹn hò, đính ước, trở thành cái cớ để đến với nhau. Nếu cô gái không yêu chàng trai thì có thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn của mình. Mỗi cô gái Thái từ khi còn nhỏ đã được bà, mẹ dạy cho cách dệt vải để đến khi lấy chồng có khăn, đệm, chăn... mang về nhà chồng làm của hồi môn. Và cứ như thế, chiếc khăn Piêu gắn bó với người phụ nữ Thái trong các dịp lễ hội cho tới khi về nhà chồng, kể cả khi trong nhà có tang, khăn Piêu được dùng làm lễ vật mang theo người mất và những người phụ nữ là con cháu phải đội khăn piêu trong đám tang.

    1.jpg

    Các cô gái Thái đang tự thêu khăn Piêu (ảnh internet)

    Khăn Piêu là sản phẩm của nghề dệt truyeent hống, là đỉnh cao đánh giá sự khéo léo của người phụ nữ Thái. Để làm ra chiếc khăn, từ việc trồng bông làm ra vải trắng nguyên khổ dệt từ bông cỏ, vải được chọn là những tăm vải sợi nhỏ đều, mặt mịn màng. Khăn có độ dài từ 1m50 đến 1m60, khổ rộng từ 30cm - 40 cm, dài ngắn là tùy thuộc ý thích của người phụ nữ, họ đo chiều dài bằng sải tay của mình. Từ tấm vải trắng họ dệt xong cắt dời từng khăn rồi đem nhuộm chàm và đến công đoạn làm đẹp cho tấm khăn là thêu chỉ màu và thêu hoa văn đóng vai trò quan trọng.

    Ngày nay với sự phát triển của kinh tế-xã hội, với sự giao thoa của các trang phục của các dân tộc khác, những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Thái vẫn được sử dụng, bảo tồn và phát huy trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Khăn Piêu tiếp tục được chị em phụ nữ Thái thêu, dệt như chính công việc đời thường của họ. Chiếc khăn Piêu vượt qua bản làng nhỏ của người Thái để đến với bạn bè du khách gần xa trong và ngoài nước, thành món quà lưu niệm rất đẹp, tinh tế cùng những kỷ niệm khó phai trong lòng du khách khi đến với văn hóa Thái, đến với  Điện Biên.

    "Em là cô gái Thái
    Với khăn Piêu dịu dàng
    Bao chàng trai say đắm
    Ước được làm chiếc khăn!"

    3.jpg

  • Tác giả: Thùy Dương
  • Nguồn tin: Ảnh Internet