Những chiếc khăn piêu dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái đã trở thành một nét văn hóa rất đặc trưng
Khăn Piêu có nhiều loại và có thể phân loại theo cách gọi như Piêu đẳng (gồm có Piêu đẳng 3, piêu đẳng 4, piêu đẳng 5); Piêu cút pụa (gồm có cút pụa 4, cút pụa 6... đến cút pụa 12, tuỳ theo sở thích của mỗi người). Hoa văn được thêu trên khăn cũng có nhiều như: Hoa văn hoa bầu; hoa văn hoa rừng (bók mạy), hoa văn miệng đó chắn cá (ngá xáy), hoa văn cánh guồng quay sợi (kha pia), hoa, lá và hình tượng các loài vật có trong tự nhiên, thêu theo kiểu cách điệu xen lẫn với các hoa văn chính.
Đối với các cô gái Thái, ngay từ lúc còn nhỏ đã được mẹ hướng dẫn cho từng đường kim mũi chỉ, cách pha chế màu sao cho hài hoà, hợp lý. Ngoài học hỏi ở mẹ ra, thiếu nữ Thái còn tự học hỏi từ các bạn, các bà, các cô, thím... Họ tận dụng tất cả thời gian nhàn rỗi để thêu khăn. Lớn lên họ thực sự trở thành những thiếu nữ tài hoa. Với đôi bàn tay khéo léo, kinh nghiệm học hỏi được từ những thế hệ đi trước cùng tư duy sáng tạo, các cô gái Thái đã tạo ra những chiếc khăn Piêu với đường nét hoa văn độc đáo, thể hiện được những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình thông qua nét đẹp của các hoa văn được thêu trên khăn piêu.
Những chiếc khăn Piêu với đường nét hoa văn độc đáo, thể hiện được những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình thông qua nét đẹp của các hoa văn được thêu trên khăn piêu
Hoa văn trên chiếc khăn Piêu không những thể hiện được sự khéo léo, tài hoa của các cô gái Thái mà còn chứa đựng trong đó tính giáo dục sâu sắc được truyền dạy, hướng dẫn trực tiếp từ người mẹ, sự tiếp thu lời hay, ý đẹp cùng tư duy sáng tạo của người con, sự chịu khó tìm hiểu, học hỏi... Thông qua chiếc khăn Piêu, người xem có thể đánh giá được người thiếu nữ đã trưởng thành hay chưa, có đảm đang, có nề nếp, có giáo dục, có chăm chỉ hay không. Đó cũng chính là một trong những tiêu chuẩn để chọn nàng dâu của dân tộc Thái.
Không chỉ là một phần trong bộ trang phục, khăn Piêu còn gắn với đời sống người Thái nói chung, người con gái Thái nói riêng trong nhiều khía cạnh. Khăn Piêu là vật trang sức tô điểm thêm vẻ mặn mà, xuân sắc cho người con gái Thái. Khi đội khăn, một đầu khăn buông xuống sau lưng, một đầu khăn hất lên trên đỉnh đầu, hai chùm cút pụa buông xuống hai bên má tô thêm vẻ đẹp trên khuôn mặt xinh xắn của các cô gái Thái. Trong đời sống tinh thần và sinh hoạt của người Thái, khăn Piêu còn mang nhiều ý nghĩa, giá trị khác nhau, được coi như một món quà, một tín vật hay là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm... Khăn Piêu có thể dùng để làm quà tặng mẹ, họ hàng nhà chồng khi cô gái chuẩn bị về làm dâu, nên có câu "Piêu cút xí dam da pả, Piêu cút hả dam da lúa" dịch nghĩa là "Piêu cút 4 tặng bà bác, Piêu cút 5 tặng bà thím".
Thiếu nữ Thái và khăn piêu
Bên cạnh đó, khăn Piêu còn được dùng làm vật kỷ niệm kết nối tình duyên giữa các đôi trai, gái hay để tặng người tình, gửi gắm tình cảm của mình vào chiếc khăn cho người mình yêu. Khăn Piêu còn được sử dụng trong các ngày hội, múa đêm trăng với những điệu múa “Xoè khăn”, hát giao duyên như Hạn khuống, cùng với những lời ca “Inh lả ơi, sao noọng ơi…” làm xao xuyến lòng người như muốn níu chân khách lạ. Đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái gặp nhau, cùng nhau đua tài, khoe sắc.
Ngày nay, bên cạnh những giá trị thường ngày là bảo vệ sức khoẻ của con người như đội đầu che nắng của mùa hạ, giá buốt của mùa đông..., thì khăn Piêu đã trở thành một sản phẩm có giá trị kinh tế, được trao đổi, buôn bán, làm quà lưu niệm... giúp người dân tăng thêm thu nhập trong cuộc sống.
Đến Điện Biên, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa không quên mua những món quà lưu niệm là những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của bà con như túi, váy, áo, khăn… Khăn Piêu sẽ là một sự lựa chọn lý tưởng về một món quà đong đầy tình cảm, ấm áp của du khách dành cho người thân phương xa.