• Gội đầu trước năm mới - một nghi lễ đặc biệt của người Thái Tây Bắc
  • Thời gian đăng: 09/09/2019 10:43:49 AM
  • Theo quan niệm của người Thái, nếu như ai chưa được gội đầu vào dịp 30 Tết thì coi như chưa gột rửa những điều không may trong năm cũ và điều ấy sẽ theo vào năm mới. Bởi vậy, nghi lễ gội đầu trước năm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm tin của con người đối với các đấng tâm linh, cầu mong những điều tốt đẹp. Cũng vì lẽ đó mà nghi lễ này đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, được người dân tộc Thái Tây Bắc coi trọng, giữ gìn đến ngày nay.

    c-c-c-g-i-th-i-g-i-d-u-1.jpg

    Các cô gái Thái gội đầu bên suối (ảnh sưu tầm)

    Đây là nghi lễ có từ xa xưa, tương truyền được bắt nguồn từ một truyền thuyết. Chuyện kể về có một gia đình người Thái sinh được một cô gái vô cùng xinh đẹp tên là Nàng Han. Đất nước lâm nguy, dù bố mẹ không cho tòng quân nhưng cô đã quyết định giả trai xuất quân. Chỉ sau một thời gian ngắn, cô đã đánh tan quân giặc, đuổi đến tận bờ cõi Mường Xo thì giặc tan. Dẹp xong giặc cũng là 30 Tết, nàng ban lệnh tắm rửa gội đầu và nghỉ ngơi cho mọi người rồi bay về trời. Từ đó đến nay, người Thái vùng sông nước Quỳnh Nhai (Sơn La); Mường Lay (Điện Biên); Mường Xo, Mường Tè (Lai Châu) và một số vùng khác vẫn còn lưu lại phong tục này, đó là lễ Lung Ta (xuống bến nước làm lễ gội đầu) để tưởng nhớ bà và cũng để mừng năm mới, ăn Tết vui vẻ.

    Ngày nay, đối với mỗi cô gái Thái, mái tóc có vai tró vô cùng quan trọng và khi đến tuổi lấy chồng mái tóc đó được búi cao lên trong lễ Tằng cẩu nghĩa là cô ấy đã có chồng và sau đó rất ít khi mái tóc ấy được xõa ra. Và mái tóc ấy cũng có rất nhiều điều đặc biệt phải kiêng kị, bình thường họ cũng có những quy định riêng về gội đầu theo quy định không phải lúc nào cũng gội được. Và đặc biệt nghi lễ gội đầu vào 30 tết ai cũng phải tham gia gội đầu xua đi những điều không tốt trong năm vừa qua và cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc.

    Trong nghi lễ gội đầu một phần không thể thiếu đó là nước gội đầu một loại nước mà đến ngày nay người phụ nữ Thái vẫn sử dụng như một thứ nước đặc biệt giúp họ có một mái tóc dài, đen, mượt mà óng ả mà không thứ dầu gội nào có được đó là nước vo gạo. Và cái thứ nước vo từ gạo nếp được đem ủ 2 hoặc 3 ngày khi có mùi thum thủm, chua chua thì mới mang đi để gội đầu. Có những người còn cho thêm quả bồ kết nướng lên giã nhỏ pha vào cho có mùi thơm, mà phải làm đúng như vậy mới ra được thứ nước đặc sền sệt và có độ sánh ai không làm đúng thì không đủ điều kiện để gội.

    n-c-vo-g-o.jpg

    Nước vo gạo được các phụ nữ Thái dùng để gội đầu (ảnh sưu tầm)

    Theo truyền thống của đồng bào Thái, mỗi bản đều có bến nước riêng và quy định đàn ông tắm bến trên, đàn bà tắm bến dưới. Họ từ từ cúi đầu xõa tóc xuống dòng sông, tay cầm cành lá xanh nhúng xuống nước rồi đập nhẹ lên mái tóc nhiều lần cho ướt đẫm. Những bát nước gạo cùng với nước bồ kết được xối từ từ. Tất cả những gì không may mắn trong năm qua giờ đây không còn là nỗi bận lòng, sẽ trôi chảy theo dòng nước, gợi lên những điều tốt đẹp cho ngày mai để sẵn sàng bước vào một năm mới thật tinh khôi. Cái thứ nước được dội lên đầu gội đến đâu coi như những cái không may mắn trôi hết đi chỉ còn lại những điều hạnh phúc là ở lại mà thôi.

    g-i-d-u2.jpg

    Nghi lễ gội đầu vào ngày 30 tết của phụ nữ dân tộc Thái (ảnh sưu tầm)

    Tuy thời gian trôi đi cùng với sự phát triển nhưng đặc biệt là nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán này vẫn được duy trì và phát huy theo thời gian. Lễ gội đầu là một trong những nét văn hóa đặc sắc được người Thái nâng niu, gìn giữ và là nét đặc trưng cho những ai muốn thưởng thức, trải nghiệm khi đến với đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc.

  • Tác giả: Thùy Dương