So với cánh đồng Mường Lò (tỉnh Yên Bái), Mường Than (tỉnh Lai Châu), Mường Tấc (tỉnh Sơn La), cánh đồng Mường Thanh, tỉnh Điện Biên được coi là rộng lớn nhất. Trải dài hơn 20 km với chiều rộng trung bình 6 km, nhiệt độ trung bình ổn định 22-25 độ C, đất đai bằng phẳng và phì nhiêu, cánh đồng Mường Thanh không chỉ nổi tiếng về diện tích rộng lớn, mà còn sản xuất ra sản phẩm gạo Điện Biên thơm ngon nổi tiếng.
Cánh đồng Mường Thanh rộng lớn
Gạo Điện Biên nổi tiếng dẻo thơm, đậm đà. Cùng là giống lúa được trồng ở đồng bằng nhưng gạo Điện Biên có vị thơm ngon đặc trưng hơn bởi lẽ được gieo trồng trên cánh đồng Mường Thanh màu mỡ, được bồi đắp bởi dòng Nậm Rốm chở nặng phù sa.
Gạo nếp nương có hình dáng dài, mẩy, màu trắng sữa, nhìn bề ngoài có nét thô, mộc mạc, nhưng khi ăn mới thấy hết vị ngọt, sự thơm ngon và mềm dẻo ngay cả khi để nguội, gạo nếp có thể chế biến cơm lam, đồ xôi với lá cẩm - một loài cây thơm, sẽ cho vị xôi ngậy, thơm, dẻo rất thú vị. Còn với hạt thon nhỏ, đều tăm tắp, màu trắng đục, vị đậm, dẻo, thoang thoảng mùi thơm, đã trở thành đặc sản nổi tiếng.
Gạo Điện Biên - Xôi nếp nương Điện Biên
Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã xây dựng gạo Điện Biên thành một thương hiệu nông nghiệp mạnh và thực sự bền vững. Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu cao về chất lượng gạo, sẵn sàng mua nông sản sạch với giá cao để bảo vệ sức khỏe. Gạo Điện biên đã được sản xuất theo quy trình VietGAP, cho ra chất lượng gạo đồng nhất.
Du khách đến với ẩm thực Điện Biên
Khi lúa bắt đầu chín rộ, khu vực lòng chảo Điện Biên trở thành thung lũng mùa vàng. Trong hành trình thăm quan, khám phá Điện Biên, du khách đừng quên trải nghiệm các món ăn được chế biến từ "Gạo Điện Biên - hạt ngọc thơm trời ban cho đất Mường Thanh".