Tháp Mường Luân là công trình kiến trúc nghệ thuật được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1981. Tháp Mường Luân nằm ở chân núi Hủa Ta (núi đầu nguồn), bên bờ sông Nậm Na (Sông Mã), tại xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Tháp Mường Luân (ảnh sưu tầm)
Tháp Mường Luân do nhân dân hai nước Việt - Lào xây dựng vào thế kỷ XVI, dựa theo truyền thuyết một trái núi mang dáng dấp một người đang ngồi thiền “Hua táng Keo, eo táng Lao” (có nghĩa: đầu quay về Việt, lưng quay sang Lào). Tháp được người dân hai nước và nhân dân trong vùng coi là “vị thần hộ mệnh”, bảo vệ cuộc sống yên bình cho dân bản, phù trợ con người có sức khỏe và mùa màng bội thu. Tháp Mường Luân cũng là biểu tượng thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.
Tháp Mường Luân với kiến trúc độc đáo thể hiện Tình hữu nghị Việt Nam - Lào (ảnh sưu tầm)
Tháp có kiến trúc hình vuông, được chia làm hai phần. Phần bệ tháp là những khối hình vuông, gồm nhiều tầng xếp chồng lên nhau. Phần thân tháp nhỏ hơn, được chia làm bốn tầng, có trang trí những họa tiết đắp nổi như hình cánh sen, hình rồng bay chạy quanh thân tháp tạo thành các hình số 8 kép đem lại cho tháp vẻ uy nghi, tinh xảo. Kiến trúc của Tháp vừa mềm mại, hài hòa, có bố cục chặt chẽ, thể hiện được khả năng thẩm mỹ và tài hoa trong xây dựng của các cư dân miền núi Tây Bắc thời xưa.
Để đi đến tháp Mường Luân, từ thành phố Điện Biên, quý khách di chuyển qua quãng đường dài 75 km. Trải nghiệm cung đường quanh co, uốn lượn, ngắm khung cảnh hùng vĩ của núi rừng, những loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, ngắm những bản làng cùng cuộc sống thường ngày của người Khơ Mú, người Lào ngay trên đường đi. Đặc biệt đối với du khách “Phượt” ưa mạo hiểm khám phá, đây sẽ là một hành trình hấp dẫn với những trải nghiệm khó quên./.