Him Lam là cách phát âm chệch của từ Hin Đăm - theo tiếng Thái cổ, Hin Đăm có nghĩa là đá đen. Tên Hin Đăm gắn liền với câu chuyện thần thoại của đồng bào dân tộc Thái về nhân vật có tên là Ải Lậc Cậc - Ông khổng lồ được Then “trời” cử xuống xây dựng lại cuộc sống của nhân dân sau nạn Đại hồng thủy. Mường Thanh - Điện Biên khi đó là ruộng mạ của Ải nên Ải thường hay đi về. Một hôm về Mường Thanh, Ải đánh rơi một viên đá lửa xuống sông Nậm Rốm, Ải lấy chân gạt đá ở lòng sông Nậm Rốm để tìm viên đá lửa. Vì thế ở giữa Mường Thanh cho đến nay không có đá và núi, đá bị dồn về phía đầu sông và phía cuối sông, một thứ đá đen như than. Hin Đăm nằm ở phía đầu sông, chính vì vậy mà đất ở đây có nhiều đá đen do chân Ải gạt tới. Để giải thích cho những quả đồi Hin Đăm, các cụ già ở địa phương kể rằng đó là những luống cày của Ải Lậc Cậc. Ngày nay người dân nơi đây còn gọi Hin Đăm là những luống cày của ông Khổng lồ.
Trung tâm đề kháng Him Lam, nằm cách Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 2,5km về phía Đông Bắc, với tổng diện tích là 136.900m2. Di tích Him Lam là nơi ghi dấu trận đánh mở màn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13/3/1954. Him Lam là một trong những Trung tâm đề kháng kiên cố nhất của địch, án ngữ con đường 41 từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Trung tâm đề kháng Him Lam cùng với 2 Trung tâm đề kháng thuộc phân khu Bắc là Độc Lập và Bản Kéo tạo thành một bức bình phong vững chắc nhằm bảo vệ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngay từ vòng ngoài.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã mở màn bằng chiến thắng Him Lam giòn giã có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không chỉ tiêu diệt được một trung tâm đề kháng mạnh nhất của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà còn giáng một đòn nặng nề vào đầu não của địch.
Bộ đội ta xung phong trên đồi Him Lam
Trận mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã giành được thắng lợi to lớn nhưng đổi lại, có biết bao cán bộ chiến sĩ của ta đã ngã xuống. Tiêu biểu là tấm gương hy sinh anh dũng quả cảm của anh hùng Phan Đình Giót, tấm gương chiến đấu của anh hùng Trần Can và anh hùng Hà Văn Nọa.Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các anh đã được tuyên dương và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhiều năm sau ngày Điện Biên Phủ hoàn toàn giải phóng, hòa vào dòng người về với Điện Biên Phủ, anh Hà Văn Tuyên - con trai anh hùng Hà Văn Nọa, đi dọc cánh đồng Mường Thanh qua các nghĩa trang ở Điện Biên Phủ để tìm cha. Dù đã trở lại Điện Biên Phủ nhiều lần nhưng anh vẫn “không thấy tên cha”, anh chỉ biết “cha là chiến sĩ Điện Biên”.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã cảm nhận được sự mất mát lớn lao khi nghe câu chuyện của con trai liệt sĩ Hà Văn Nọa và càng thấm thía hơn khi nghe chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đứng sau chiến hào khóc trong lễ chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ năm ấy. Bởi hơn ai hết, Đại tướng là người hiểu cái giá phải trả cho ngày chiến thắng. Biết bao chiến sĩ đã hy sinh! Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã sáng tác bài hát “Tìm Cha” từ chính những cảm xúc chân thật của mình.
Trong dòng người về Điện Biên hôm nay, chúng ta cùng thành kính dâng lên các anh nén nhang để tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Năm 2003, để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã đầu tư tôn tạo một số hạng mục tại Di tích đồi Him Lam. Cái tên Điện Biên Phủ, Him Lam, Mường Thanh, Hồng Cúm... đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ và các nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm, những giai điệu ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ - một chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ 20.
Di tích đồi Him lam ngày nay khi được tôn tạo
Bia di tích cứ điểm Đồi Him Lam (BEsATRICE)
Cứ điểm II
Nơi anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai