Trong những ngày tháng 7 vừa qua, chúng tôi có dịp đi khảo sát con đường kéo pháo huyền thoại! nơi đây đã trở thành một tượng đài bất tử với mình đồng da sắt, gan không núng chí không mòn, từng bước chân chúng tôi qua như hiển hiện về một thời máu lửa và bom đạn! ngược dòng lịch sử cách đây 65 năm về trước. Điện Biên Phủ được thực dân Pháp kỳ công xây dựng thành một cái bẫy khổng lồ ở lòng chảo hòng tiêu diệt quân chủ lực của ta. Nhưng! Đờ Cát đâu có ngờ rằng từ các phía bên trên các dãy núi xung quanh lòng chảo, một cái bẫy khác cũng đang dần được hình thành. Mỗi động tĩnh, hành động, diễn biến của Đờ Cát và Tập đoàn cứ điểm không qua được tầm mắt của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đoàn khảo sát của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tại Cụm Tượng đài Đường kéo pháo
Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch được gấp rút thực hiện trong điều kiện vô cùng khó khăn của mặt trận Điện Biên Phủ. Nơi đây xa viện trợ bên ngoài, cách xa các căn cứ và vùng an toàn của ta; con đường ra mặt trận lại vô cùng hiểm trở vì đường vận tải bộ là đường độc đạo. Trước Cách mạng tháng Tám, đây cũng không phải là tuyến đường chính vận tải lên Tây Bắc, nhiều năm đã không sử dụng, rất khó khăn khi đưa vũ khí hạng nặng lên, cũng như bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho chiến đấu dài ngày. Với truyền thống yêu nước, ý chí căm thù giặc, lần đầu tiên trong lịch sử cả nước đã cùng ra mặt trận với bộ đội.
Thực tế đã cho thấy với địa hình đặc biệt, Điện Biên Phủ mang lại một số lợi thế cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Những vùng rừng núi và những quả đồi liên tiếp bao bọc bốn phía lòng chảo phía dưới giúp ta có thể che giấu được các loại vũ khí, đặc biệt là những khẩu pháo to mà địch khó phát hiện ra được.Với quyết định đánh nhanh, giải quyết nhanh, điều quan trọng là phải kéo được những khẩu pháo đó vào đúng vị trí và sẵn sàng nhả đạn, trận đánh mới có thể bắt đầu. Xe chở pháo chỉ chuyển pháo tới cửa rừng Nà Nham (km 69 đường Tuần Giáo vào Điện Biên) vì tiếng máy ô tô trong đêm dễ bị phát hiện lại đi qua một số nơi có hỏa lực mạnh, hệ thống lô cốt và hầm ngầm của địch. Đại đoàn 308, một đại đội Sơn Pháo, một tiểu đoàn công binh ''hơn 5.000'' con người được giao nhiệm vụ mở đường kéo pháo bằng tay. Và đó là một con đường đặc biệt, duy nhất chưa từng có trên thế giới với chiều dài 15km, chiều rộng khoảng 3m chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha Sông cao 1.150 mét, xuống Bản Tấu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu, tới Bản Nghễu được mở mới hoàn toàn. Để bảo đảm bí mật, nó phải được ngụy trang toàn bộ, không cho máy bay trinh sát phát hiện. Thời gian làm đường dự kiến trong một ngày, một đêm. Ta đã rải bộ đội suốt dọc đường, làm xong trong 20 giờ. Đây là một con đường kéo pháo khá dài nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu. Trên con đường ấy ta đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn, vượt qua những đoạn đường núi cheo leo, hiểm trở, dốc cao, vực sâu lại bị máy bay và pháo địch cản trở để đến được hầm trú ẩn dành cho pháo đã được ngụy trang từ trước. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới có một con đường kéo pháo bằng tay như vậy.
Trước khi lên đường ra mặt trận Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho toàn quyền quyết định. Đại tướng đã có những cân nhắc, tính toán chiến lược để có thể giành được chiến thắng quan trọng ở chiến dịch này. Gần tới ngày dự định nổ súng (sau 7 ngày đêm), số pháo được chuyển tới vị trí tập kết mới được 1/3. Sau khi phân tích tình hình thực tế và khả năng chiến đấu của quân đội mình, Đại tướng đã có "quyết định quan trọng nhất cuộc đời cầm quân" thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc". Hàng loạt nhiệm vụ được đặt ra để thực hiện phương án mới trong đó kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại là một quyết định không tưởng. Hành trình kéo pháo vào gian nan là thế, hành trình kéo pháo ra còn khó khăn gấp bội phần. Thực dân Pháp liên tục trút bom đạn mảnh đạn cháy bỏng chém gãy những cành cây cắm vào vách núi. Chính trị viên hô to: "Các đồng chí! Quyết không rời pháo!” Không chỉ có vậy, bộ đội ta đã hành động nhanh chóng, bí mật trong một thời gian ngắn và những gì họ đạt được là cả một kỳ tích không dễ gì có được một lần thứ hai. Vì những con đường mòn rất hẹp với chiều rộng 3m, mọi cố gắng đưa pháo vào trận địa chỉ bằng sức người, chỉ cần bánh xe chệch hướng một chút, pháo sẽ rơi xuống khe núi sâu. Với nỗ lực phi thường, kiên nhẫn và sự hi sinh thầm lặng, những người lính Việt Nam đã kéo được pháo vào vị trí chiến đấu trước mưa bom bão đạn bắn phá của máy bay oanh tạc. Chính trong những lúc gian khổ, hiểm nguy, những tấm gương “Vì nước quên thân” luôn sáng ngời. Một lần nữa lại có người hy sinh anh dũng khi chiến dịch vẫn chưa bắt đầu. Trên đường kéo pháo ra, qua dốc Chuối với độ nghiêng khoảng 60 độ, dây tời bị đứt, pháo đang đà lao xuống vực. Anh Tô Vĩnh Diện đã không ngần ngại ôm chèn lao vào bánh pháo. Đồng đội anh cũng lao vào giữ pháo. Pháo được cứu nhưng anh đã nằm xuống trên con đường kéo pháo huyền thoại.
Bia tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện
Đồng đội nghiêng mình trước khẩu đội trưởng 26 tuổi kiên cường đã hy sinh thân mình cứu pháo. Lễ tang anh được âm thầm tổ chức trong rừng vắng, giờ phút đồng đội tiễn đưa anh không một nén nhang thắp lên mộ anh, không một tiếng súng tiễn biệt anh vì lúc đó chiến dịch của ta chưa bắt đầu!!! Tấm gương ấy, con người ấy đã trở thành động lực trong mỗi bước chiến đấu của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Rạng sáng ngày 04/02/1954 khẩu pháo cuối cùng được kéo về vị trí tập kết. Sau 11 ngày đêm gian khổ toàn bộ pháo của ta đã được tập kết ra khu vực an toàn ''lúc đó là mùng 2 tết nguyên đán. Ban chỉ huy tiểu đoàn tổ chức cho bộ đội ăn tết muộn trong rừng''.
Bài hát Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân ra đời trong hoàn cảnh này, đã trở thành một kiệt tác miêu tả về tinh thần chiến đấu trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Những ca từ bất diệt ấy mãi mãi trường tồn cùng non sông.
“Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi
Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù”
Hiện nay, tại Di tích Đường kéo pháo bằng tay năm xưa đã được Đảng và nhà nước quan tâm trùng tu tôn tạo đã tại đây xây dựng một cụm Tượng đài kéo pháo hoành tráng mô tả cảnh kéo pháo của quân đội ta, tái tạo lại một phần con đường kéo pháo gian khổ năm xưa. Nơi anh Tô Vĩnh Diện hy sinh được đặt bia để du khách gần xa tới dâng hương tưởng niệm. Xây dựng nhà sàn lưu niệm tại đầu đường rẽ vào khu di tích là nơi tiếp đón khách đến tham quan, tìm hiểu di tích.