• Di tích Đồi A1 - Chứng tích cho một khí phách ngoan cường
  • Thời gian đăng: 04/05/2023 10:42:30 AM
  • Khi xưa, đồi A1 có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồi A1 đã chứng kiến biết bao thăng trầm của mảnh đất nơi đây. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi A1 nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, được coi là “cuống họng” bảo vệ phân khu trung tâm, trực tiếp bảo vệ căn hầm của tướng Đờ Cát. Xung quanh cứ điểm A1 quân Pháp xây dựng hệ thống hàng rào dây thép gai với đủ loại hình dạng. Trận đánh diễn ra trên đồi A1 là trận đánh ác liệt nhất, kéo dài nhất và hy sinh nhiều nhất. A1 đã thấm đẫm biết bao mồ hôi, xương máu của những người con ưu tú hy sinh để dành độc lập, tự do của quê hương, đất nước.
  • toan-canh-doi.jpg

    Toàn cảnh đồi A1

    Tên A1 là tên quân đội ta đặt cho ngọn đồi này, còn trước đây ngọn đồi này có những tên gọi khác nhau: Thời kỳ xung đột giữa các chúa đất ngọn đồi này có tên là đồi Lạng Chượng gắn liền một câu chuyện buồn giữa một bên hiếu một bên tình của nàng Ho Quảng và chàng Lạng Chượng. Sau này khi Pháp chiếm Điện Biên Phủ (1890, 1945) họ đều chọn ngọn đồi này xây dựng khu đồn trú nên được gọi là đồi Đồn Tây. Năm 1953, một lần nữa Pháp chiếm đóng Điện Biên Phủ họ đã đặt tên ngọn đồi này là Eliane 2 - tên một người đẹp nước Pháp với mục đích động viên binh lính Pháp phải bảo vệ cứ điểm này như bảo vệ người đẹp của họ.

    Đồi A1 luôn là một địa chỉ đỏ thu hút khách du lịch tại thành phố Điện Biên Phủ.

    Nằm trên đỉnh đồi là căn hầm cố thủ, vốn là hầm rượu vang của toà công sứ Pháp trước năm 1945. Có tài liệu viết căn hầm này là hầm Bưu điện của Pháp thời còn Châu Điện Biên. Sau khi nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, quân Pháp đã cho củng cố căn hầm ngầm thành một cứ điểm quân sự. Hầm được chia thành 2 ngăn, trong đó một ngăn là nơi làm việc của bộ phận thông tin điện đài. Hầm được làm bằng những vật liệu vô cùng chắc chắn bốn bên là tường gạch kiên cố, mái hầm được đổ những lớp bê tông dày, khi cần thiết có thể dùng làm nơi ẩn nấp cho hàng chục người. Trên đồi A1 vẫn vẹn nguyên dấu tích hố Bộc phá được tạo thành bởi 960kg thuốc nổ. 

    Đến với di tích đồi A1 hôm nay, bên cạnh hoạt động thăm quan, du khách còn được trải nghiệm một số hoạt động thực tế như: nấu cơm chiến sĩ bằng bếp Hoàng Cầm, trải nghiệm đẩy xe đạp thồ để chở nhu yếu phẩm, nghe các câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ và sinh hoạt của người lính trong chiến đấu.

    xe-dap-tho.jpg

    Trải nghiệm đẩy xe đạp thồ

    bep-hoang-cam.jpg

    Nấu cơm bếp Hoàng Cầm

    Phí tham quan:

    - Người từ 18 tuổi trở lên: 25.000 VNĐ/người/lượt/điểm

    - Giảm thu 50% đối với người cao tuổi; người khuyết tật nặng.

    Các trường hợp miễn phí vé

    - Cựu chiến binh (có thẻ CCB) người có công với cách mạng (có giấy tờ chứng minh)

    - Học sinh, sinh viên tại các trường, các chiến sỹ trong lực lượng vũ trang được tổ chức đi nghiên cứu thực tế (có Kế hoạch kèm theo)

    - Người dưới 18 tuổi.

    - Người khuyết tật đặc biệt nặng.

    - Miễn thu phí tham quan đối với các đối tượng là nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên vào các ngày lễ, tết theo quy định của Bộ Luật lao động (Tết Dương lịch; tết Nguyên đán; Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch); Ngày Giải phóng Miền Nam 30/4; Ngày Quốc tế lao động 01/5; Ngày Quốc khánh 02/9); Ngày Kỉ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5 (Yêu cầu có CMND hoặc có giấy tờ hợp lệ)

    Bản đồ:

  • Tác giả: Ngọc Linh, ảnh sưu tầm