• Đám cưới đặc biệt tại Hầm chỉ huy của tướng De Castries
  • Thời gian đăng: 12/03/2020 02:28:43 PM
  • Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 lá cờ “quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Đại đoàn 312 đã được Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật phất cao trên nóc hầm tướng De Castries, tung bay giữa chiều hè tháng 5 lịch sử, báo hiệu tin chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
  • H-m-c-t.jpg

    Hình ảnh Hầm De Castries ngày nay

    Hầm chỉ huy của tướng De Castries nằm ở trung tâm lòng chảo Mường Thanh, là cơ quan đầu não, là trái tim, là linh hồn của toàn bộ tập đoàn quân sự khổng lồ mà các tướng tá Pháp, Mỹ rất tự hào và coi đây là một pháo đài mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương. Nó là biểu tượng sức mạnh quân sự và chiến thắng của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, nên được chính phủ Pháp, Mỹ ưu tiên cả vật chất và tinh thần. Cơ quan tổng hành dinh này được đặt ở vị trí trung tâm và ưu tiên những vật liệu xây dựng vững chắc, đủ khả năng chống chọi hỏa lực của đối phương và được bảo vệ bằng các vũ khí hiện đại, phương tiện kỹ thuật hiện đại.

    Đến với Điện Biên du khách sẽ được tham quan và nghe những thuyết minh viên duyên dáng, thân thiện chia sẻ về những khoảnh khắc lịch sử, những câu chuyện hào hùng nhưng cũng có những câu chuyện chứa đựng tình cảm và những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Như câu chuyện về đám cưới có một không hai trong lịch sử tại căn hầm De Castries vào ngày 22/5/1954, sau khi tướng De Castries bị bắt 15 ngày. Cô dâu là nữ y tá mặt trận Nguyễn Thị Ngọc Toản (sau là giáo sư, bác sĩ chuyên khoa sản hàng đầu của Việt Nam) và chú rể là Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó Đại đoàn quân Tiên phong (Đại đoàn 308) (sau này là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam). Đám cưới ấy cũng như bao đám cưới khác tại chiến trường giản dị lắm nhưng là đám cưới đầu tiên sau chiến tranh, đám cuới giữa thời bình: Đám cưới mà có cả thuốc lá thơm, rượu tây và những mảnh dù đủ màu sắc là chiến lợi phẩm có được. Đám cưới ấy được tổ chức tại căn hầm của một viên tướng bại trận dưới những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đám cưới ấy cả chú rể và cô dâu được chụp ảnh trên chiếc xe tăng mà quân ta đã chiếm được của Pháp... Chụp vài tấm ảnh cưới, họ cùng nhau hướng về phía đồi A1.

    -nh-m-c-i-ch-p-tr-n-xe-t-ng.jpg 

    Đám cưới chụp trên xe tăng

    "Bất chợt lúc ấy, tôi nghĩ đến những thương binh mất ngay trên tay mình khi tuổi mới đôi mươi. Tôi nói với anh Khánh rằng, bao nhiêu người còn chưa được yêu nằm xuống cho mình được sống, được hạnh phúc thì phải sống sao cho xứng đáng. Người chồng, người đồng đội của tôi cũng đồng ý như vậy", lời bà Toản kể lại bằng giọng Huế trầm ấm, thân thương.

    Biết bao nhiêu điều thú vị và đặc biệt. Đám cưới ấy còn mang rất nhiều ý nghĩa nhân văn như mở đầu cho một tương lai tươi sáng đang chờ đón khi Điện Biên Phủ được giải phóng, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam bước sang một trang sử mới.

  • Tác giả: Thùy Dương, ảnh sưu tầm