Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sinh ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm: Năm 1925 tham gia lãnh đạo phong trào học sinh Huế. Năm 1929 tham gia cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Duơng Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, bị Thực dân Pháp bắt giam. Từ năm 1936 đến 1939, tham gia Phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tham gia sáng lập Báo “Lao động”, “Tiếng nói chúng ta”; biên tập Báo “Tin tức”, “Dân chúng”. Chủ tịch Uỷ ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương Đại hội. Năm 1940, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau tháng 5/1941, xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức Việt Minh ở Cao Bằng; tham gia khởi nghĩa vũ trang ở Căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng. Năm 1942, phụ trách Ban Xung phong Nam tiến, dùng hoạt động tuyên truyền vũ trang mở đường liên lạc giữa miền núi với đồng bằng Bắc Bộ. Tháng 12/1944, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; chỉ huy đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt (25/12/1944) và Nà Ngần (26/12/1944). Ngày 4/8/1945, ông là Ủy viên Uỷ ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ, Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Thống nhất (Việt Nam Giải phóng quân). Ông đuợc Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương cử vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc, ủy viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Quân sự Uỷ viên Hội trong Chính phủ liên hiệp, Phó Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán với Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá II - VI; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá II - IV. Bí thư Tổng Quân uỷ, sau này là Quân uỷ Trung ương (1946 - 1977). Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1946 - 1947), Đại tướng (1948), Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (đến 1975); uỷ viên Hội đồng Quốc phòng (1948). Trong Kháng chiến chống Pháp, trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trong Kháng chiến chống Mĩ, cùng Bộ Chính trị, chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.
Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/01/1948, Ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân Đội Quốc gia Việt Nam khi 37 tuổi. Sau này, trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “người nào đánh thắng đại tá thì phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng thì phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng”. Cùng đợt thụ phong có Nguyễn Bình được phong Trung tướng; Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng.
Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là chiến tranh nhân dân kế thừa quan điểm quân sự Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh internet)
Trong 9 năm trường kỳ đánh Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự và đã trở thành những kinh nghiệm quý báu như: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Với chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp huấn luyện quân đội, ông chỉ đạo chiến sĩ học tập, tiếp thu, nghiên cứu kỹ phương pháp của nước bạn, đồng thời nhắc nhở cán bộ, sĩ quan phải ghi nhớ việc tiết kiệm sinh mạng bộ đội do Việt Nam là nước nhỏ không thể nuôi nhiều quân.
Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn”. Ông tự tin lên kế hoạch và chỉ huy 4 trong 6 sư đoàn bộ binh khi đó của Quân đội Nhân dân Việt Nam là 308, 304, 312, 316 và Đại đoàn sơn pháo 351 tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của Liên hiệp Pháp. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam.
Với mỗi trận đánh, Đại tướng luôn cân nhắc, chọn lựa những cách đánh phù hợp nhất để làm sao giành được thắng lợi cao mà tổn thất về sinh mạng thấp nhất. Đó chính là trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, sinh mệnh của chiến sĩ và sinh mệnh của toàn dân tộc. Đó cũng chính là tư tưởng xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ông luôn chủ trương tiến hành chiến tranh nhân dân, dựa vào nhân dân mà chiến đấu. Ông biết kết hợp sức mạnh của toàn quân và toàn dân tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn, đó là sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của tình yêu nước với một mục tiêu cao nhất là hòa bình và độc lập.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Khu Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1994 (ảnh internet)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1955 - 1980). Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1991). Đại biểu Quốc hội các khoá I - VII.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều tác phẩm quân sự có giá trị nghiên cứu cao như: "Khu giải phóng" (1946), "Đội quân giải phóng" (1947), "Chiến tranh giải phóng và quân đội nhân dân, ba giai đoạn chiến lược" (1950), "Điện Biên Phủ" (1964), "Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng" (1970), "Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân" (1972), "Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" (1979), "Tư tưởng Hồ Chí Minh và Con đường cách mạng Việt Nam" (2000)…
Với những đóng góp cực kỳ to lớn cho cách mạng Việt Nam, Đại tướng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, và nhiều huân chương, phần thưởng cao quý khác…