Người Thái có cội nguồn ở vùng Đông Nam Á lục địa, tổ tiên xa xưa của người Thái có mặt ở Việt Nam từ rất sớm. Người Thái sớm đi vào nghề trồng lúa nước trong hệ thống thuỷ lợi thích hợp được đúc kế như một thành ngữ - "mương, phai, lái, lịn" (khơi mương, đắp đập, dẫn nước qua vật chướng ngại, đặt máng) trên các cánh đồng, thung lũng. Sự đa dạng và giàu có của tự nhiên là một trong những nguồn sống quan trọng tạo nên các điểm dân cư của người Thái. Từ đó, người Thái hình thành các hoạt động kinh tế chủ yếu sau:
Đầu tiên phải kể đến đó là nghề trồng trọt, với hệ thống nông nghiệp của người Thái bao gồm 2 loại chính: Trồng lúa nước và trồng trọt trên nương. Trồng lúa nước là hoạt động kinh tế chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế của người Thái, mỗi năm người Thái làm 2 vụ: Vụ chiêm thường gieo cấy vào cuối tháng 12 đầu tháng 01 dương lịch, vụ mùa thường vào tháng 6 đến tháng 9, gieo trồng thường ở nơi có địa hình thung lũng, bằng phẳng, gần khe suối để cung cấp nước cho ruộng, giống thóc chủ yếu là: tám thơm, bao thai, sáu tư... Các khâu chăm sóc ruộng nước chủ yếu bằng thủ công, dùng sức trâu, bò để kéo, cày bừa đất, bằng sức người để chăm sóc lúa.
Người dân gặt lúa trên cánh đồng Mường Thanh
Ngoài trồng lúa nước người Thái còn canh tác nương rẫy, trồng lúa xen kẽ các cây hoa màu như: Đậu tương, ngô, khoai, sắn... mỗi năm 01 mùa vụ, trồng vào cuối tháng 01 đến đầu tháng 3 âm lịch. Hoạt động nông nghiệp trồng trọt, nương rẫy là hoạt động canh tác truyền thống có tác động lớn đến đời sống kinh tế - văn hóa của người Thái.
Tiếp đến, nghề chăn nuôi là hoạt động kinh tế không thể thiếu đối với người Thái, chăn nuôi bổ trợ cho trồng trọt, cung cấp sức kéo cho nông nghiệp, cải thiện bữa ăn hàng ngày, là sản phẩm dùng để trao đổi buôn bán.
Chăn nuôi gia súc
Trước đây chăn nuôi không đem lại nhiều sản phẩm, chủ yếu chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như: lợn, gà, vịt để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Người Thái thường thả rông trâu, bò trên nương, trên các sườn đồi. Ngày nay, chăn nuôi đã phát triển hơn trước rất nhiều, họ đã làm trang trại, dùng trâu, bò để cày, kéo, chăn nuôi gia cầm để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, tâm linh trong đời sống hàng ngày.
Nghề thủ công là hoạt động kinh tế bổ trợ, trong hoạt động thủ công của người Thái đáng chú ý là nghề đan lát.Đan lát là nghề thủ công truyền thống của người Thái dựa trên nguyên liệu có sẵn trong địa bàn sinh sống là: Tre, mây, nứa, giang... Người Thái có kỹ thuật đan lát rất độc đáo, mỗi loại sản phẩm đều có kỹ thuật đan khác nhau, có công dụng riêng, dùng trong vận chuyển và sinh hoạt hằng ngày: rổ, rá, bung, đếp…
Nghề đan lát xã Nà Tấu
Đàn ông người Thái còn đan chài lưới để đánh bắt cá. Đối với người Thái, đan lát là công việc gắn liền với người đàn ông, còn phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến việc trồng bông, chế biến sợi, dệt và thêu các hoa văn. Trước đây, người Thái trồng bông dệt vải, ngày nay họ mua vải để may vá, thêu, tạo ra các sản phẩm như: khăn, túi, áo, mũ... dùng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, để trao đổi, buôn bán. Hiện nay các hoạt động trao đổi buôn bán của người Thái được đánh giá là hoạt động phát triển ở vùng Tây Bắc.
Người dân trao đổi giao thương với du khách
Trao đổi buôn bán là một hoạt động kinh tế quan trọng, cung cấp đầy đủ vật chất cho đời sống sinh hoạt mà còn giao lưu học hỏi những kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa, tiến bộ của các dân tộc khác trong và ngoài vùng.