Bia tưởng niệm, tác giả Trịnh Minh Đỉnh
Điện Biên Phủ được đồng bào địa phương gọi là Mường Then - Mường Trời, vì cuộc sống nơi đây vốn dĩ rất bình yên, thanh thản. Cho đến ngày 20/11/1953, thực dân Pháp mang theo những loại vũ khí lớn, hiện đại nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ, phá vỡ cuộc sống yên bình nơi đây. Bầu trời Điện Biên xuất hiện những trận "mưa dù" do quân viễn chinh Pháp đổ bộ xuống. Những "con người lạ" cao to, mắt xanh, xì xồ thứ tiếng khác với khuôn mặt hầm hầm xông vào những ngôi nhà sàn, bắt bớ người dân. Với những người dân hiền lành, lương thiện, đã vô cùng sợ hãi khi chứng kiến sự việc. Một số sợ hãi bỏ trốn sang khu vực khác, số còn lại sống trong cảnh sợ hãi và vô cùng cực khổ.
Để xây dựng công sự, ngoài những vật liệu được cung cấp, Đờ Cát đã ra chỉ thị phá dỡ những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái. Người dân nơi đây bị dồn vào bốn khu trại tập trung để phá nhà lấy vật liệu xây dựng công sự và dễ bề kiểm soát. Chúng đã biến Điện Biên Phủ từ một cánh đồng màu mỡ trở thành một bãi chiến trường với những công sự, hàng rào dây thép gai và bãi mìn.
Để kiểm soát, Đờ Cát dựng lên một bộ máy quản lý rất nghiêm ngặt, bao gồm các lực lượng: Tạo bản, tạo lộng, dân vệ và mật thám, có nhiệm vụ giám sát, kìm kẹp nhân dân. Ngoài ra, còn phân công mỗi đơn vị lính địa phương phụ trách một trại tập trung:
- Trại tập trung Ta Pô, gồm Thanh Nưa, Thanh Luông, do đồn Bản Kéo phụ trách.
- Trại tập trung Pa Luống, gồm Thanh Minh và Thị trấn, do đồn A1 phụ trách.
- Trại tập trung Co Mỵ, gồm Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, do đồn Mường Thanh phụ trách.
- Trại tập trung Noong Nhai, gồm Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Noong Luống, do đồn Hồng Cúm phụ trách.
Cay cú trước những thất bại liên tiếp tại chiến trường Điện Biên Phủ, 14 giờ, ngày 25/4/1954, Đờ Cát đã cho bốn máy bay Dakota chở bom sát thương và bom Na pan đi từ phía Nam ném bom vào trại tập trung Noong Nhai.
Chỉ trong ít phút của ngày 25/4/1954, 444 người dân vô tội bị sát hại, trong đó đại đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Đây là một trong những ngày đau thương nhất của người dân Điện Biên trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1964), Bia tưởng niệm Noong Nhai được xây dựng để ghi dấu tội ác của thực dân Pháp và tưởng nhớ đến những đồng bào bị tử nạn trong vụ thảm sát. Bia tưởng niệm do tác giả Trịnh Minh Đỉnh sáng tác. Với hình tượng người phụ nữ dân tộc Thái trên tay bế một em bé vô tội chết vì bom đạn địch, dưới chân là những đám mây như những ngọn lửa ngùn ngụt chí căm hờn. Đôi mắt thất thần, đau thương đến tột độ của một người mẹ mất con. Bức tượng đã toát lên toàn bộ tội ác của cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô nhân đạo. Trong khuôn viên còn có hai bức phù điêu diễn tả cảnh hoảng loạn chạy giặc của nhân dân và cảnh nhân dân theo bộ đội kháng chiến và xây dựng bản mường.
Toàn cảnh Khu Bia tưởng niệm Noong Nhai
Đến Điện Biên, kính mời quý khách hãy một lần dừng chân tại nơi đây để dâng nén nhang tưởng nhớ đến những người thiệt mạng trong ngày 25/4/1954