Trong chiến tranh, việc nấu ăn khó giấu kín được vì ban đêm thấy lửa ban ngày thấy khói. Rất nhiều thương vong của bộ đội xuất phát từ việc “khói bốc lên giữa rừng”. Bếp Hoàng Cầm” rất hoàn hảo với mục tiêu giấu lửa, giấu khói theo phương châm: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Bếp Hoàng Cầm lần đầu tiên được sử dụng trong chiến dịch Hòa Bình 1951-1952 và được phổ biến rộng rãi vào năm 1954 khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bếp Hoàng Cầm mang chính tên người sáng tạo ra nó, đây là sáng kiến của anh nuôi Hoàng Cầm quê ở Nam Định, nguyên là chiến sỹ nuôi quân Đại đoàn 308, Đại đoàn quân tiên phong. Hoàng Cầm sinh ra và lớn lên ở làng Cát Nội, xã Trực Đại, tỉnh Nam Định. Trước khi vào quân ngũ, Hoàng Cầm có gần một năm đi làm đầu bếp cho một hiệu ăn nổi tiếng ở Hà Nội. Anh trở thành chiến sỹ nuôi quân của Đại đoàn Quân tiên phong 308 ngay từ ngày đầu thành lập.
Bếp Hoàng Cầm trong Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ Mường Phăng
Là anh nuôi, Hoàng Cầm luôn tận tâm, tận lực với công việc nấu ăn phục vụ bộ đội trong nhiều chiến dịch. Khi đơn vị tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám và chiến dịch Hòa Bình năm 1952, được tận mắt chứng kiến cảnh đồng đội bị thương vong nhiều, sức khỏe giảm sút do máy bay địch oanh kích và điều kiện ăn uống không đảm bảo. Hoàng Cầm nhận ra chiến tranh ngày càng khốc liệt, bộ đội ta chiến đấu, hy sinh không chỉ ở mặt trận giáp mặt quân thù mà hy sinh, thương vong ngay cả khi về hậu cứ nghỉ ngơi, sinh hoạt. Nguyên nhân của việc mất mát ấy có một phần do việc nấu ăn. Khói lửa từ những cái bếp nuôi quân bốc lên, máy bay địch phát hiện đã trút bom đạn xuống. Tổ anh nuôi của Hoàng Cầm và nhiều đơn vị khác phòng tránh bằng cách chuyển sang nấu ăn ban đêm, khi máy bay địch tới thì dập lửa, dội nước, nhưng nhiều khi vẫn không tránh kịp. Đang đun, dập lửa, cơm thường bị sống. Nấu ăn ban đêm, ban ngày cơm nguội lạnh, bộ đội ăn không đảm bảo sức khoẻ.
Hoàng Cầm đã trăn trở ngày đêm suy nghĩ, mình phải làm một cái gì đó giúp cho đồng đội giảm bớt thương vong. Một buổi sáng dạo bên bờ suối, nhìn làn khói lượn lờ quanh mái bếp, Hoàng Cầm chợt nảy ra sáng kiến làm một kiểu bếp có thể nấu nướng mọi thứ ban ngày mà không sợ máy bay địch phát hiện. Sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu, vẽ sơ đồ một số kiểu bếp, và nhiều lần làm thử nhiệm. Hoàng Cầm đào hàng chục cái bếp khác nhau, với những kiểu bếp khoét sâu vào trong lòng đất có nhiều nhánh dẫn khói giống như hang chuột. Làm xong anh đặt nồi lên từng cái bếp, chất củi đun thử. Kết quả tạm được, nhưng lửa vẫn lộ, khói vẫn phảng phất bay lên. Không nản chí, Hoàng cầm lại hì hục đào hàng chục cái bếp khác nữa. Lần này Hoàng Cầm đào các đường dẫn khói chẽ ra nhiều nhánh và dài gấp đôi. Trên rãnh dẫn khói rải cành cây rồi đổ đất san phẳng. Phía trước cửa bếp đào một hố sâu, trên lợp nilon hoặc lá vừa để đồ, vừa che ánh lửa và có hầm chứa khói, hút lửa mạnh hơn.
Hoàng Cầm đã khoét bếp lò vào sườn đồi hoặc đào sâu xuống với những đường rãnh giống như râu mực từ bếp lò bò đi khá xa, trên rãnh được lát bằng cành cây và phủ đất ẩm tạo thành những ống thoát khói. Từ trong lò, khói tỏa vào khắp các rãnh, bốc lên gặp lượt đất ẩm, bị lọc và cản lại, lan ra là là trên mặt đất, thoảng nhẹ nhàng như làn sương buổi sớm. Kiểu bếp này ngay sau đó đã được phổ biến rộng rãi đến các đơn vị và được anh em nuôi quân hoan nghênh.
Với sáng kiến này, bộ đội đã được ăn cơm nóng, có nước nóng để uống trong mùa đông, các viện quân y dã chiến có nước nóng để sát trùng y cụ... Sáng kiến này có giá trị lớn trong thực tiễn hoạt động hành quân, chiến đấu và góp phần quan trọng giữ gìn sức khỏe cho bộ đội, đảm bảo quân số chiến đấu cao. Từ khi bếp Hoàng Cầm ra đời, các chiến sĩ nuôi quân không còn lo sợ máy bay địch nhòm ngó, bộ đội không phải ăn cơm nguội do phải nấu vào ban đêm.
Bếp Hoàng Cầm đã cùng các đơn vị bộ đội tham gia các chiến dịch Biên Giới, Hòa Bình, Điện Biên Phủ và sau đó tiếp tục cùng các đơn vị bộ đội trong suốt thời kỳ chống Mỹ. Bếp Hoàng Cầm là một yếu tố tạo nên sự bất ngờ, bí mật cho bộ đội ta làm nên những chiến thắng và nhờ nó mà bao người lính không phải đổ máu, hy sinh. Bếp Hoàng Cầm cũng đã đi vào thơ ca làm khiến triệu triệu những trái tim bồi hồi, qua sáng tác của Nhạc sĩ Huy Du:
“Nổi lửa lên em, đánh Mỹ đêm ngày...
….Ơi vũ khí ta mang đâu có là tên lửa
Chỉ bếp than hồng này ủ chín hơi cơm
Bát nước chè xanh nhẹ gối bước dồn
Thêm sức mạnh trên đường đi đánh Mỹ
Nổi lửa lên em……..
….Đôi quang gánh nặng tình yêu đất nước
Hơi bếp Hoàng Cầm ta sưởi ấm khắp nơi nơi...”
Hiện nay, khi đến với Điện Biên Phủ, du khách có thể tìm hiểu về bếp Hoàng Cầm đã tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng hoặc tham gia trải nghiệm nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm tại Di tích đồi A1.
Du khách trải nghiệm nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm