Đồi A1 hôm nay (Ảnh Văn Thành Chương)
Trận tiến công cứ điểm Đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận chiến đấu tại cứ điểm A1 kết thúc lúc 04 giờ 30 ngày 7/5/1954. Qua 39 ngày đêm ta đã loại 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động của địch, diệt 825 tên địch.
Hình ảnh trận chiến đồi A1 (ảnh sưu tầm)
Để dành được thắng lợi, rất nhiều những câu chuyện đầy xúc động về các chiến sĩ của ta trên trận chiến A1 đầy ác liệt: Như câu chuyện về đồng chí Chu Văn Mùi, Đại đội cối 120 li, Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, một tiểu đội trưởng phụ trách 5 máy thông tin của đơn vị. Tối ngày 31/3/1954, Đại đội chủ công đánh đồi A1 bị thương vong nhiều, điện thoại, vô tuyến điện bị mất liên lạc với tiểu đoàn, trung đoàn. Đồng chí Mùi được giao nhiệm vụ nối lại liên lạc với Trung đoàn. Anh cùng đồng đội gặp rất nhiều khó khăn, vì lúc này pháo sáng và hỏa lực của địch bắn rực sáng cả bầu trời, tổ điện thanh đã phải vượt qua bao nguy hiểm, ngâm mình dưới bùn nước, lách mình trong những giao thông hào chằng chịt như bàn cờ, khôn khéo lừa địch, có lúc trườn như rắn, bò lăn trên những quãng đường, những bãi trống mà địch đã bố trí hỏa lực, sẵn sàng nhả đạn; có lúc phải giả vờ chết chờ lúc địch ngớt bắn rồi chạy vọt lên...Đặt chân tới được một góc Đông Bắc đồi A1, chứng kiến cảnh thương binh và chiến sĩ ta hy sinh nằm la liệt, chật ních trong hầm, nhiều đồng chí chỉ huy bị mất liên lạc. Nhưng không nản, anh đã bám trụ và thông tin được cho đại đội trưởng ngăn chặn được những đợt tấn công của địch trong ngày 01/4 và 02/4/1954. Đồng đội bên cạnh đã hy sinh chỉ còn lại khẩu tiểu liên, anh đã kiên cường bám trụ giữ liên lạc thông suốt cho đơn vị. Anh nhận lệnh phải gặp bằng được Trung đoàn trưởng 102 Nguyễn Hùng Sinh để nối liên lạc. Ôm chiếc máy điện thanh còn quý hơn mạng sống của mình, nhưng lạ thay, chiếc máy nặng hơn 20kg hàng ngày anh nhấc nhẹ nhàng vậy mà sao lúc này nặng quá, anh lảo đảo rồi ngã quỵ xuống. Ba ngày đêm kiên trì bám trụ trận địa, mệt, đói, thiếu nước uống, lại liên tục phải nói qua máy điện thanh nên cổ họng anh khô rát, không đủ sức. Xung quanh, anh em bị thương cũng luôn miệng kêu "nước... nước” mà không có để uống, có những lúc anh phải hứng chính nước tiểu của mình để uống, làm dịu đi cơn khát chờ cho lại sức, chỉ với một mục đích phải bám trụ bằng được để nối dòng điện thanh cho chỉ huy của mình... Và cuối cùng đường dây liên lạc đã được nối, góp phần giúp cho quân ta giành chiến thắng tại A1 và tiến quân sang Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ giải phóng Điện Biên vào ngày 7/5/1954.
Anh hùng Chu Văn Mùi
Những câu chuyện cảm động về những chiến sĩ anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn là những câu chuyện đáng nhớ, đáng trân trọng và đầy niềm tự hào với mỗi người dân Việt Nam. Trải qua chiều dài lịch sử, ngày nay mỗi du khách đặt chân lên mảnh đất Điện Biên hãy đến với di tích đồi A1 để tìm hiểu bao chiến công lừng lẫy và biết bao câu chuyện đầy xúc động của thế hệ cha anh.