• Nghệ nhân Giàng Văn Dom - Người truyền lửa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
  • Thời gian đăng: 27/08/2020 09:32:29 AM
  • Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mường Lay và là một trong những người đam mê nghiên cứu, chế tác những cây đàn tính tẩu cũng như truyền dạy những điệu múa, những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của người Thái Mường Lay cho các thế hệ sau, ông Giàng Văn Dom ở bản Hốc, phường Na Lay đang có cách rất riêng góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

    Đến bản Hốc, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, hỏi thăm nhà ông Giàng Văn Dom thì ai cũng biết, một người dành nhiều tâm huyết với cây đàn tính, thứ nhạc cụ sinh ra từ quá trình khổ công lao động, sáng tạo và đúc kết từ tình yêu thiên nhiên của người dân vùng cao. Hàng bao đời nay, bóng núi bóng rừng và nếp nhà sàn mộc mạc, từ sự truyền dạy của cha ông và niềm mê say của mình với tiếng đàn tính mà ông Dom đã ấp ủ để chế tác ra những cây đàn tính độc đáo và tinh xảo.

    -ng-Dom-ng-i-th-3-t-tr-i-sang.png

    Nghệ nhân Giàng Văn Dom (người thứ 3 từ trái sang) luôn tích cực tham gia các phong trào văn nghệ tại địa phương

    Theo như ông Dom giới thiệu, khác với cây đàn tính của dân tộc Tày, dân tộc Nùng vùng Đông Bắc, đàn tính của người Thái vùng Tây Bắc có chiếc mỏ đàn được đẽo gọt thật khéo, cách điệu thành hình chiếc đuôi con gà trống là vật tổ của người Thái. Cách làm đàn cũng cầu kỳ hơn vì phải xử lý âm thanh trong hộp âm theo nguyên lý âm dương của dân tộc Thái. Sẽ cần nhiều công đoạn chế tác công phu, đòi hỏi nghệ nhân làm đàn không những phải khéo tay mà còn phải tinh thông âm luật. Bầu đàn được làm bằng mắc pố có nghĩa là quả bầu già nên được gọi là tẩu tính, các bộ phận khác gồm cam tính có nghĩa là cầm đàn, xa tính có nghĩa là dây đàn, láng tính có nghĩa là khóa đàn, kho tính có nghĩa là đuôi đàn và tép tính có nghĩa là mặt đàn. Gỗ dùng làm cần đàn nhất thiết phải dùng loại gỗ mạy sọ, chò chỉ (là loại gỗ nhẹ, mềm, dẻo dai và độ bề cao), nhẹ và có độ cứng vừa phải để dễ đục gọt, âm sắc đủ cả thanh trầm nhưng lại không bị cong vênh. Cần đàn phải nhẹ và thẳng, chiều dài phải bằng 9 nắm tay của người chơi. Theo kinh nghiệm dân gian, số đo cỡ nào thì hợp với giọng hát của người có số đo ấy. Những vật liệu ông Dom dùng làm đàn tính đều đơn giản, dễ kiếm bởi ở đó là những thứ quanh năm gắn bó với cuộc sống của đồng bào. Làm đàn tính khó nhất là tìm quả bầu vì phải chọn được quả bầu không quá to cũng không quá nhỏ, phải già, hình dáng bên ngoài phải tròn đẹp và dày, gõ vào phải kêu thật đanh, chỉ bấy nhiêu thôi mà đã có thể tạo nên một thứ âm thanh đặc biệt.

    Trực tiếp được gặp và được nghệ nhân Dom đàn cho nghe những bản đàn hay nhất, những lúc như thế ông Dom như trẻ lại bởi bảo tồn văn hóa truyền thống như là mong ước của ông, bởi tiếng đàn tính là tiếng lòng của người Thái. Và cho đến bây giờ, điều mà ông Dom trăn trở nhất là làm sao có thể bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của cây đàn tính, làm sao để thế hệ trẻ nhận ra được tầm quan trọng của thứ nhạc cụ truyền thống của dân tộc từ bao đời nay. Ông vẫn đang từng ngày miệt mài làm ra những cây đàn mang hồn sắc của dân tộc.

    Đối với mỗi người con của dân tộc Thái, tính tẩu là nhạc cụ chính dùng để đệm hát trên giai điệu múa, các chàng trai người dân tộcThái vừa đàn tính tẩu, vừa múa bằng loại nhạc cụ này, khi đệm hát tính tẩu thường trên giai điệu của lời ca. Tiếng đàn tính có một sức sống mãnh liệt đã mang hồn núi, hồn rừng, chắp gió thành lời yêu thương gửi tới mọi người và là chất keo kết dính mọi người lại với nhau. Còn riêng với bản thân ông Giàng Văn Dom một người con của dân tộc Thái, được sinh ra trong chính cái nôi của văn hóa dân tộc mình nên ông ý thức rất sâu sắc được việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Ngoài việc chế tác những cây đàn tính, ông còn tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Tình yêu với điệu múa dân tộc đã ngấm vào ông Giàng Văn Dom như những mạch nước ngầm thấm vào từng khe đất, như phù sa của con sông bồi đắp từng ngày. Dù rằng, điệu múa truyền thống của người Thái vốn ưa chuộng dành cho người con gái. Thế nhưng, những động tác múa của ông Dom lại uyển chuyển, mềm mại và đau đáu tâm huyết muốn gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của điệu múa dân tộc mình truyền lại cho thế hệ sau. Không những thế ông còn sáng tác và đánh tính tẩu để các thành viên của đội văn nghệ tập luyện.

    ong-don-truy-n-d-y-c-c-i-u-m-a.png

    Ông Giàng Văn Dom Người truyền lửa, lưu giữ nét văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau

    Với suy nghĩ còn sức khỏe, còn cống hiến, ông Giàng Văn Dom vẫn từng ngày vẫn cần mẫn miệt mài bên cây đàn tính bằng sự say mê, lòng nhiệt huyết cặm cụi so từng dây, từng phím gửi gắm tình yêu nghề vào từng sảm phẩm mà ông đã chế tác góp phần quan trọng vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc trên các điệu múa, điệu hát và  trên những chiếc đàn tính tẩu.

  • Tác giả: Lưu Học