Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 500 km, cách khu du lịch Sa Pa 270 km, cách Cao nguyên Mộc Châu, Sơn La 280 km, cách cố đô Luông Pha Băng (CHDCND Lào) 420 km. Điện Biên là tỉnh có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, trong đó: Đường biên giới tiếp giáp với Lào là 414,712 km; với Trung Quốc là 40,86 km; có đường hàng không từ Điện Biên đi Hà Nội với tần suất bay bình quân 01 ngày 02 chuyến. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, có 2 cửa khẩu đã được mở là Huổi Puốc - Na Son và Tây Trang - Pang Hốc. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có lối mở A Pa Chải - Long Phú. Đặc biệt, cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc là cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng Tây Bắc, Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào và Bắc Thái Lan.
Tỉnh Điện Biên có lịch sử lâu đời, gắn với sự ra đời và phát triển của loài người. Điện Biên còn có tên gọi là Mường Then nghĩa là "Xứ Trời", gắn với truyền thuyết “Quả bầu mẹ”, giải thích sự xuất hiện của loài người. Đây cũng là đất tổ của nhiều ngành Thái (Tai Đăm) ở Đông Nam Á. Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc, mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa, kiến trúc nhà truyền thống, tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên.
Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng và lịch sử văn hóa lâu đời, Điện Biên xứng danh là Trái tim Tây Bắc
Ngày nay, Điện Biên được biết đến là một vùng đất nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn với “Thiên nhiên hùng vĩ - Lịch sử hào hùng - Văn hóa độc đáo”.
Tỉnh Điện Biên được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh với vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn. Đến Điện Biên, du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của Đèo Pha Đin dài 32 km, một trong tứ đại danh đèo phía Bắc Việt Nam; sẽ được thăm cột mốc số 0, ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại huyện Mường Nhé “vùng đất một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe thấy”, với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, những cánh rừng đại ngàn hùng vĩ. Đến Điện Biên, quý khách sẽ được trải nghiệm vẻ đẹp của mảnh đất Tủa Chùa với hệ thống hang động kỳ vĩ, hoang sơ; được thả hồn vào những thửa bậc thang tầng tầng lớp lớp trong ánh vàng rực rỡ, hay những đồi chè cổ thụhàng trăm năm tuổi; chiêm ngưỡng cao nguyên đá Tả Phìn, với di tích thành Vàng Lồng - được xây dựng hoàn toàn bằng những viên đá sắc nhọn mà không cần đến bất kỳ một chất kết dính nào, tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông nơi đây; hoặc du ngoạn trên hồ Pá Khoang, ngắm sắc hồng thắm của Hoa Anh Đào, sắc trắng tinh khôi của cánh Hoa Ban. Du khách sẽ có những phút giây thư thái, ngâm mình trong nguồn nước khoáng nóng U Va, Pe Luông… Đặc biệt, hồ U Va - nơi được coi là "Thánh địa" của người Thái gắn liền với truyền thuyết về dây Khau Cát, nối giữa đất với trời, âm với dương. Các tộc người Thái (Taidam) trên thế giới đều mong muốn một lần được trở về Uva để nhớ tới cội nguồn và từ đó linh hồn của họ mới lên được Mường Then (Xứ Trời).
Điện Biên có nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc, tiêu biểu là các thành, tháp cổ như: Tháp Mường Luân, Tháp Chiềng Sơ, Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ và đặc biệt là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ, gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Các di tích đã và đang được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị để các thế hệ người Việt Nam và khách du lịch quốc tế tìm hiểu một dấu mốc lịch sử vẻ vang của Việt Nam như: Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng; đồi A1; Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Trung tâm đề kháng Him Lam; đường kéo pháo bằng tay... hay các công trình văn hóa lịch sử ấn tượng như tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Điện Biên, nơi sinh sống của 19 dân tộc với những giá trị văn hóa truyền thống phong phú, hấp dẫn, vừa đan xen, vừa tách biệt đã tạo cho mảnh đất Điện Biên một kho tàng văn hóa đặc sắc, phong phú với những tục ngữ, ca dao, những làn điệu dân ca, dân vũ, trường ca “Xống chụ xon xao”, “Khun Lú Nàng Ủa”; những lễ hội dân gian Dzù su, Nào Pê Chầu (dân tộc Mông), Lễ tra hạt, cầu mưa (dân tộc Khơ Mú)… và nhiều lễ hội đặc sắc khác vào mỗi dịp xuân về. Bên cạnh đó, đến với các bản văn hóa, các điểm du lịch cộng đồng du khách còn có thể tự mình trải nghiệm những phong tục tập quán, nét sinh hoạt độc đáo của người dân bản địa, hòa mình vào không khí phiên chợ vùng cao, thưởng thức những sản vật và hương vị ẩm thực do bàn tay người dân bản địa làm ra, đắm say trong men rược nồng và cùng ngất ngây trong những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống…
Ngoài ra, các lễ hội được tổ chức hàng năm đã trở thành ngày hội cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, điểm hẹn du lịch cho du khách trong và ngoài nước: Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5 hàng năm), Lễ hội Phật giáo mùa hoa Ban, Lễ hội Đua thuyền Đuôi Én tại thị xã Mường Lay (Tết Dương lịch hàng năm), Hội chọi Dê tại huyện Tủa Chùa, Hội chọi Bò tại huyện Điện Biên Đông … Đặc biệt, Lễ hội Hoa Ban được tổ chức thường niên vào trung tuần tháng 3, giữa bạt ngàn hoa ban trắng lung linh núi rừng Tây Bắc, cùng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú hấp dẫn: chương trình nghệ thuật, trình diễn nghi thức dân gian và trang phục truyền thống, phiên chợ vùng cao, giao lưu các trò chơi dân gian: ném còn, dã bánh dày, tó mắk lẹ, tù lu…là điểm hẹn đem đến nhiều trải nghiệm ấn tượng.
Hãy đến với Điện Biên để ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp, hùng vĩ của đất Mường trời, tham gia Lễ hội Hoa Ban, khám phá nét văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, tìm hiểu dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam; cùng rộn ràng với những giai điệu sôi động, ngập tràn hạnh phúc, ấy là điệu khèn, điệu múa của người Mông hay thả hồn trong câu hát, điệu xòe, điệu sạp của người Thái bên ánh lửa bập bùng, ngất ngây quanh chum rượu mông pê nặng tình người miền sơn cước…những âm thanh, vũ điệu ấy không chỉ là tinh hoa nghệ thuật, mà còn là cốt cách, tình cảm thân thiện, hiếu khách của người dân Điện Biên đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm./.