Bánh Dày - đặc sản hấp dẫn của đồng bào dân tộc Mông
Thời gian đăng: 24/07/2019 10:07:45 AM
Trong ngày Tết của người Mông, bánh Dày vừa để cúng tổ tiên, vừa là món ăn được các gia đình người Mông đãi khách quý khi đến chơi nhà. Bên mâm cơm, cùng nâng chén rượu ngô thơm nồng, bánh Dày luôn là một món ăn không thể thiếu và vô cùng hấp dẫn.
Đĩa bánh Dày đã được rán thơm ngon để đãi khách quý (ảnh Xuân Hòa)
Theo tiếng Mông, bánh Dày có tên gọi là "Dúa Pả”. Người Mông quan niệm: Bánh Dày tượng trưng cho mặt Trăng, mặt Trời - nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất; sự an lành, no ấm của cuộc sống với mùa màng bội thu. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp nương dẻo, sau khi được lựa chọn, gạo được mang phơi để khi xay, xát hạt gạo không bị gãy nát và giữ được vị thơm ngon, độ dẻo cho bánh.
Khi gạo được đồ chín, dưới những cánh tay khỏe mạnh vạm vỡ các chàng trai và sự khéo léo của các cô gái, xôi nóng được giã nhuyễn và từng chiếc bánh trắng hiện lên giữa màu xanh của lá dong nhìn vô cùng đẹp mắt. Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng trong quy trình làm bánh Dày, việc giã bánh là công đoạn vất vả và tốn nhiều công sức. Cối để giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ trắc, mịn thớ, có mùi thơm. Chày giã bánh cũng được làm từ các loại gỗ cứng và nặng. Để gói bánh, người Mông sử dụng những tàu lá dong hoặc lá chuối rừng được rửa sạch, lau khô.
Trai gái cùng nhau giã bánh Dày (ảnh Trung tâm Văn hóa tỉnh)
Điểm khác biệt của chiếc bánh Dày người Mông so với các loại bánh khá, đó là bánh Dày không có nhân bên trong, không dùng các loại gia vị. Người ăn có thể ăn nóng, cũng có thể để nguội rồi đem rán với mỡ lợn hoặc nướng trên bếp lửa và chấm với mật ong rừng khi ăn. Vào dịp đầu xuân hay các ngày lễ hội, một số bản người Mông còn tổ chức thi làm bánh Dày giữa các dòng họ, các gia đình, các bản. Đây là một cách bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông với du khách thập phương./.