Mèn Mén món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông
Sau mỗi mùa thu hoạch, ngô được đồng bào Mông phơi trên những hiên nhà hay gác trên bếp. Ngô làm Mèn mèn được chọn lựa lỹ càng và thường được xay thủ công bằng loại cối đá hai thớt chồng lên nhau, rất nặng và khó thao tác. Ngô ban đầu được xay tróc hết vỏ, rồi mới xay đến khi thành bột mịn. Ngô xay xong được đem sàng để bỏ mày và sạn, rồi cho vào trộn cùng nước sạch. Lúc này người làm Mèn Mén phải tính toán lượng nước cho vào vừa đủ để bột không bị khô hay quá ướt. Bột khô quá sẽ khó chín khi hấp, bột ướt quá thì món ăn sẽ bị nát, không ngon. Chính vì vậy, người có kinh nghiệm nấu nướng trong gia đình thường là người đảm nhiệm nấu món này.
Để ra được món Mèn Mén thơm, dẻo thì phải đồ hai lần. Lần đầu, cho bột ngô vào trõ, vẩy nước vào bột ngô, đảo đều cho tơi ra không dính vào nhau. Ở lần đồ này, phải chú ý lửa sao cho bột ngô được chín đều, cho đến khi nào từ trõ bốc lên mùi thơm nghi nghút. Lúc này, bột ngô sẽ được đổ ra mẹt, đánh tơi. Ở lần đồ thứ hai, cần đồ kỹ hơn, khi nào thấy Mèn Mén dẻo, rộ màu vàng, thơm nức là được.
Đồng bào dân tộc Mông Điện Biên đang làm Mèn Mén
Người Mông thường ăn Mèn Mén với các loại nước canh như nước xương, nước thắng cố, nước đậu lành... hoặc với bột ớt nướng. Ớt khô đem nướng trong than hồng rồi giã nhỏ, trộng với chút muối, tạo thành một thứ gia vị say nồng. Càng nhai kĩ càng thấy ngon, ngọt, đậm đà vị núi rừng. Và đặc biệt là trong những ngày giá rét, sẽ càng cảm nhận được sự ấm nóng, đậm và thơm.
Để tận hưởng những hương vị truyền thống, du khách có thể tham gia trải nghiệm chợ phiên vùng cao, tự mình trải nghiệm các món ăn của đồng bào dân tộc. Ngồi xen lẫn đồng bào, thưởng thức món Mèn Mén với thắng cố và rượu ngô để say, để ngất ngây trong những hương vị rất riêng của núi rừng Tây Bắc. Lên Tây Bắc, chưa thưởng thức Mèn Mén cũng giống như chưa khám phá trọn vẹn cái lạ lẫm, hấp dẫn nơi đây.