Chiếm gần 1/3 dân số sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đồng bào dân tộc Mông có 5 nhóm chính: Mông Đơ, Mông Lềnh, Mông Si, Mông Đu, Mông Sua sinh sốngtập trung nhiều nhất ở các huyện Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé và Nậm Pồ.
Bánh Dày - biểu tượng của tình yêu thuỷ chung đôi lứa của trai gái người Mông
Nếu như người Kinh có sự tích bánh chưng-bánh dày, hai loại bánh tượng trưng cho trời và đất. Thì theo những già làng người Mông kể lại: Thủa xưa có chàng trai người Mông bị thần Hổ về bản bắt mất người yêu, chàng đau khổ đến quên ăn quên ngủ và quyết tìm gặp thần Hổ để đòi lại người yêu. Đường núi xa xôi hiểm trở, để đến nơi thần Hổ giam giữ người mình yêu, chàng phải lội qua bao thác ghềnh, vực sâu. Chàng đã nghĩ ra cách nấu gạo nếp nặn thành bánh (nay gọi là bánh dày) làm lương thực để đi tìm lại người yêu. Qua bao gian nan khổ ải, chàng đã tìm được nơi ở của thần Hổ. Cảm động trước tình yêu của chàng trai người Mông, thần Hổ đã trả lại người yêu cho chàng. Từ đó, chiếc bánh dày đã trở thành biểu tượng của tình yêu thuỷ chung đôi lứa của trai gái người Mông. Sự tích về bánh dày của người Mông đã đi vào cuộc sống, trở thành nét đẹp văn hoá. Người Mông còn quan niệm, hai cái bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất.
Hình ảnh giã bánh Dày vào ngày tết cổ truyền Nào Pê Chầu
Bánh Dày, là món ăn hấp dẫn trong ngày tết cổ truyền của đổng bào Mông, là món ăn đãi khách quý và để làm quà cho khách đến thăm nhà. Dù để lâu ngày, bánh vẫn dẻo và thơm. Để làm ra được món bánh này rất công phu và cũng cần sự cẩn thận từ khâu lựa chọn nguyên liệu, sự khéo léo trong quá trình chuẩn bị, cần sự khỏe mạnh trong công đoạn giã bánh và cần sự vẹn tròn hơn khi gói những chiếc bánh. Chúng ta cùng tìm hiểu từng công đoạn để tạo nên một món ăn đặc trưng và độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.
Bước đầu tiên cũng là bước quan trọng và không thể thiếu là chọn gạo, gạo được chọn phải là nếp nương vùng cao, những hạt gạo tròn đều mẩy hạt, dẻo thơm. Sau quá trình ngâm 3 đến 4 tiếng, cho vào chõ để đồ lên cho chín. Bước kế tiếp là chọn ra những chàng trai thật khỏe mạnh để giã bánh, giã càng lâu bánh càng dẻo và ngon. Bánh sau khi được nặn thành những chiếc nhỏ và tròn bằng lá dong rừng xanh đậm. Bánh sau khi hoàn thiện có độ dai, thơm ngậy và ngọt tự nhiên, vô cùng hấp dẫn, xứng đáng với công sức những con người tâm huyết bỏ vào đó làm ra món ăn ngon. Bánh sau khi làm xong có thể để được được thời gian dài, mỗi lần ăn nướng trên than củi, sẽ vô cùng ngon miệng bởi mùi thơm hấp dẫn và chiếc bánh rán phồng lên.
Bánh Dày vừa được giã xong
Một món ăn dân giã những chứa đựng bao nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Ngày nay, cứ mỗi dịp hoa đào nở trên khắp buôn làng trên dẻo cao của các bản người Mông tại Điện Biên, những tiếng chày giã bánh vẫn vang lên như một nhịp điệu không thể thiếu tạo nên đặc trưng của nền văn hóa Mông đậm đà bản sắc làm nên nét đẹp riêng của người Mông Điện Biên.