Mục tiêu của kế hoạch:Nhận thức về phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên được thống nhất và nâng cao. Công tác quản lý và phát triển thương hiệu du lịch được triển khai theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, đồng bộ. Đến năm 2025, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên trở thành thương hiệu mạnh trong khu vực Tây Bắc và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Xây dựng, phát triển thương hiệu một số điểm đến du lịch tiêu biểu, nổi bật; tăng cường định vị điểm đến theo hướng tập trung, có khả năng cạnh tranh.
Định hướng phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên: Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên với những giá trị cốt lõi, đặc trưng và khác biệt về lịch sử hào hùng, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, thiên nhiên tươi đẹp, người dân thân thiện, mến khách, mang lại những trải nghiệm đặc sắc đối với khách du lịch.
Định hướng phát triển thương hiệu du lịch các địa phương: Thành phố Điện Biên Phủ gắn với sản phẩm du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch làng nghề; huyện Điện Biên gắn với sản phẩm du lịch lịch sử (Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ), du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng (nước khoáng nóng, hang động), du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, du lịch biên giới, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề; huyện Điện Biên Đông gắn với sản phẩm du văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; huyện Mường Ảng gắn với sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp (cà phê); huyện Tuần Giáo gắn với sản phẩm du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái (hệ sinh thái núi cao, nước khoáng nóng), du lịch nông nghiệp (cá hồi, cá tầm); huyện Tủa Chùa gắn với sản phẩm du lịch văn hóa (văn hóa các dân tộc thiểu số, chợ phiên vùng cao), du lịch sinh thái (hang động. cảnh quan sông Đà, ruộng bậc thang, cao nguyên đá), du lịch nông nghiệp (chè cổ thụ, gà xương đen); thị xã Mường Lay gắn với sản phẩm du lịch văn hóa (đồng bào dân tộc Thái trắng), du lịch sinh thái (cảnh quan sông Đà), du lịch cộng đồng; huyện Mường Chà gắn với sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái (hang động); huyện Mường Nhé gắn với sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái (Khu bảo tồn thiên nhiên), du lịch biên giới (điểm cực Tây, ngã ba biên giới, chợ biên giới); huyện Nậm Pồ gắn với sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.
Kế hoạch thực hiện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030: (1) Xây dựng hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên; (2) các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình phát triển du lịch và phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương; (3) tăng cường truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động phát triển thương hiệu du lịch; (4) tập trung nghiên cứu, lựa chọn và hỗ trợ một số địa phương và doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các điểm đến; (5) xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống, hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP gắn với phát triển thương hiệu du lịch; (6) phổ biến và tuyên truyền về thương hiệu du lịch Điện Biên; hướng dẫn kỹ năng và xây dựng ý thức tham gia phát triển thương hiệu du lịch cho các bên liên quan, cộng đồng dân cư; (7) triển khai đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực phát triển thương hiệu du lịch.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu tập trung triển khai 02 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp ưu tiên bao gồm những giải pháp về quảng bá, xúc tiến và quản lý, phát triển sản phẩm du lịch; Nhóm giải pháp thực hiện đồng bộ, dài hạn bao gồm những giải pháp về cơ chế chính sách và đầu tư, về tuyên truyền và nâng cao nhận thức; giải pháp tăng cường năng lực quản lý và giải pháp hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp.