Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Thống nhất nhận thức và hành động trong chuyển đổi số, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam
  • Thời gian đăng: 10/10/2022 07:33:07 AM
  • (TITC) – Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu thì chuyển đổi số là xu thế tất yếu và ngày càng trở nên cấp thiết đối với ngành du lịch. Ở Việt Nam, chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh là những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao.
  • Thúc đẩy chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh

    Đề án tổng thể “Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg nêu rõ mục tiêu của ngành du lịch phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh du lịch của khu vực Đông Nam Á.

    Với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch đã tập trung vào các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, đặt ra mục tiêu hỗ trợ các bên liên quan như địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chính gồm có:

    (1) Xây dựng Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam: gồm các cơ sở dữ liệu thành phần về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu-điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí… Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương tích hợp thông tin vào hệ thống.

    (2) Xây dựng kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp: trước mắt đã hình thành và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai phần mềm chế độ báo cáo thống kê theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    (3) Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh: trong đó Tổng cục Du lịch phối hợp với các bên liên quan xây dựng và triển khai ứng dụng hướng dẫn du lịch ảo tại điểm đến, xây dựng bản đồ số du lịch... Năm 2021 bắt đầu triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng điểm đến du lịch thông minh, trước mắt tại Hà Giang, Thanh Hóa. Tổ chức tập huấn hướng dẫn một số địa phương như Quảng Nam, Bình Định về ứng dụng công nghệ để thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021.

    Đặc biệt, vừa qua Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch chính thức đưa vào vận hành hệ thống vé điện tử.

    Đồng thời, Tổng cục Du lịch phát triển các ứng dụng, tiện ích công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp và khách du lịch như: Ứng dụng (app) “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”, nền tảng số quốc gia “Quản trị và Kinh doanh du lịch”, Thẻ du lịch thông minh trong chương trình Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia, Trang vàng du lịch Việt Nam…

    Cùng với đó, nhiều sản phẩm thông minh và tiện ích giúp đáp ứng tối ưu nhu cầu của người dùng, tiêu biểu như hệ thống quản lý phòng tại các cơ sở lưu trú, hệ thống vé điện tử, hệ thống kiểm soát ra vào tự động, bãi đỗ xe thông minh, máy bán nước tự động, phần mềm quản lý bán hàng, hệ thống quản lý khách hàng, hệ thống quản lý chương trình khuyến mãi, chữ ký số, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, sản vật vùng miền, hệ thống thuyết minh điện tử…

    (4) Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng số: trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng cục Du lịch đã chủ động ứng dụng công nghệ, tăng cường triển khai các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam trên các website, mạng xã hội, ứng dụng thông minh như Youtube, Facebook, Zalo... Các hoạt động này đã giúp duy trì kết nối thông tin thị trường trong thời kỳ dịch bệnh, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam vẫn liên tục gia tăng, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi sau dịch bệnh.

    (5) Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch nhằm tập hợp trí tuệ sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch; lan tỏa tinh thần doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

    Thống nhất trong nhận thức và hành động theo một khung hướng dẫn

    Ngày 10/8/2022 vừa qua, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã ra mắt tài liệu hướng dẫn “Chuyển đổi số trong ngành du lịch: Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động”. Đây là lần đầu tiên trong ngành du lịch Việt Nam có một tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp thông tin tổng quan về thực trạng và các giải pháp tổng thể, các bước cần thực hiện trong quá trình chuyển đổi số giúp các bên liên quan dễ dàng định hướng triển khai. Đồng thời, góp phần tạo sự đồng bộ và thống nhất trong hành động của toàn ngành.

    Cốt lõi của tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số là Hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, giới thiệu về các phần mềm/ứng dụng dành cho các đối tượng khác nhau trong ngành như: khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên, cơ quan quản lý du lịch. Tài liệu giới thiệu trường hợp điển hình về chuyển đổi số ở khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với sự đổi mới về mặt tư duy quản lý, vận hành hoạt động và những giải pháp công nghệ rất cụ thể, hiệu quả, đánh giá hạn chế của mô hình truyền thống, ưu điểm khi áp dụng mô hình mới với công nghệ hiện đại.

    Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã củng cố thêm nhận thức về tầm quan trọng của liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch. Từ hợp tác ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo an toàn, cho đến hợp tác xây dựng sản phẩm, tour tuyến du lịch, tạo dựng các hành lang xanh, điểm đến xanh, triển khai các chương trình kích cầu, hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và hàng không, giữa lữ hành và lưu trú, khu điểm du lịch, hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp…

    Đối với chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, sự thống nhất trong nhận thức và hợp tác trong hành động là yếu tố tiên quyết để thúc đẩy quá trình này một cách đồng bộ, toàn diện và hiệu quả.

    Do vậy, ở đây có 2 vấn đề quan trọng là: (1) Sự định hướng và xây dựng chính sách và các nền tảng ở tầm quốc gia của cơ quan quản lý du lịch quốc gia; (2) Sự tham gia tích cực của các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến du lịch trong việc đóng góp và tích hợp dữ liệu, giải pháp công nghệ trong hệ sinh thái của toàn ngành Du lịch Việt Nam.

    Điều này sẽ mang lại những lợi ích rất lớn, đặc biệt trong công tác quản lý và xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam, như: (i) Quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam một cách thống nhất, định vị rõ ràng thương hiệu du lịch Việt Nam trên thế giới. Hình ảnh du lịch địa phương được gắn kết và thống nhất trong hình ảnh, thương hiệu chung Du lịch Việt Nam; (ii) Tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tìm hiểu tất cả thông tin cần thiết về du lịch Việt Nam một cách dễ dàng trên nền tảng số du lịch quốc gia, do trong đó đã tích hợp thông tin của các điểm đến của địa phương, sản phẩm của các đơn vị cung ứng dịch vụ. Qua đó, tiết kiệm thời gian và chi phí cho du khách; (iii) Hỗ trợ du khách quốc tế trải nghiệm một cách toàn trình thông qua việc kết nối liên thông các nền tảng số của các cơ quan liên quan, đơn vị cung ứng dịch vụ phục vụ khách; (iv) Việc kết nối, liên thông dữ liệu, ứng dụng, sản phẩm sẽ giúp các bên liên quan tận dụng được sức mạnh chung, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh du lịch, nâng cao sức cạnh tranh.

    Ngày 10/10 đã được Chính phủ phê duyệt là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Những nỗ lực và thành quả của Tổng cục Du lịch cùng toàn ngành trong thời gian qua trong công tác ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hoạt động du lịch đã để lại những dấu ấn tích cực, thiết thực kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, đồng thời tạo động lực và sự hứng khởi để các bên tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam, góp phần vào sự phục hồi và phát triển bền vững của ngành.

  • Nguồn tin: Trung tâm Thông tin du lịch
  • Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên tham gia Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá danh lam thắng cảnh quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Yên Bái, năm 2019
  • Nhà thơ Tố Hữu - Cây bút tài hoa với tác phẩm: ''Hoan hô chiến sĩ Điện Biên'''
  • Đề án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 Góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên
  • Huyện Mường Nhé tổ chức Ngày hội đoàn kết các dân tộc lần thứ IV, năm 2019
  • Mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ: Đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Điện Biên
  • Chi bộ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tổ chức sinh hoạt chuyên đề “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
  • Nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên phục vụ khách du lịch dịp Quốc Khánh
  • Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức Cuộc thi "Ảnh đẹp du lịch Sóc Trăng năm 2019”
  • Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị khu vực Tây Bắc Bộ
  • Quảng bá hình ảnh Điện Biên tại Chương trình công chiếu phim tài liệu “Việt Nam - Viên ngọc của Á Châu” tại An-giê-ri
  • Trang: 
  • 971-980 of 996<  ...  91  92  93  94  95  96  97  98  99  100  >