Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Tết cổ truyền Hồ Sự Chà của đồng bào dân tộc Hà Nhì tại cực Tây Tổ quốc
  • Thời gian đăng: 21/12/2020 10:37:53 AM
  • Tại tỉnh Điện Biên, đồng bào dân tộc Hà Nhì cư trú chủ yếu ở các xã: Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải, Sín Thầu, thuộc huyện Mường Nhé. Cộng đồng dân tộc Hà Nhì nổi tiếng với lễ cúng rừng, cúng nguồn nước và những điệu múa trống làm đắm say lòng người. Cùng với những nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu còn được nhiều người biết đến với cột mốc số 0, điểm cực Tây của Tổ quốc, ngã ba biên giới, nằm trên đỉnh núi Khoang La San, cao 1.864m. A Pa Chải là nơi được mệnh danh “một con gà gáy, 3 nước cùng nghe”. 3 chữ “A Pa Chải” đã được cả nước biết đến và dần trở thành thương hiệu của mỗi người dân đang sinh sống và làm việc trên mảnh đất Cực Tây của Tổ quốc.
  • Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có nhiều dân tộc tổ chức đón Tết sớm hơn so với Tết Nguyên đán; trong đó, người dân tộc Hà Nhì (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) thường tổ chức đón Tết bắt đầu từ ngày Thìn (con rồng) của tháng 12 dương lịch hằng năm, với nhiều phong tục văn hóa độc đáo, hấp dẫn.

    Năm nay, Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì được tổ chức từ ngày 15/12/2020. Với thông điệp “Đoàn kết cùng hướng về cội nguồn”; “Đoàn kết đồng bào dân tộc để cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Cùng nhau phát huy bản sắc dân tộc”. Năm nay Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì được tổ chức với sự tham gia của 4 xã Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải và Sín Thầu. Với các nội dung tái hiện không gian ngôi nhà truyền thống, giới thiệu nghi thức tết cổ truyền, các trò chơi dân gian như chơi đu, chơi bập bênh và thi đấu các môn thể thao dân tộc như tù lu, đẩy gậy, kéo co, giao lưu văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Hà Nhì.

    t-t-Ha-Nhi.jpg

    Văn nghệ khai mạc tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì năm 2020

    Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì thường diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu vào ngày Thìn, không kể đầu tháng hay cuối tháng, tùy từng bản hay từng xã tổ chức sớm hay muộn. Đêm đầu tiên của Tết được coi như đêm giao thừa. Sáng sớm ngày mùng 1 Tết, người Hà Nhì có tục lệ lấy nước, họ có quan niệm rằng: “Việc lấy nước đầu năm là lấy lộc và có nguồn nước mới dồi dào sử dụng ngay từ đầu năm sẽ may mắn trong cả năm”.

    tai-hien-ngoi-nha-truyen-thong-cua-nguoi-ha-nhi.jpg

    Tái hiện không gian văn hóa dân tộc Hà Nhì xã Sín Thầu - Mường Nhé

    Người Hà Nhì chuẩn bị Tết rất chu đáo từ trang phục truyền thống đến lương thực, thực phẩm. Đặc biệt là chuẩn bị các loại bánh truyền thống như bánh trôi, bánh dày, bánh trưng các loại, bánh không chỉ làm để thờ cúng tổ tiên mà còn được chia cho con cháu hưởng lộc ngày tết, làm quà biếu cho du khách đến dự và ăn tết cổ truyền… Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên là các sản vật do chính bàn tay con cháu làm ra như: Bánh dày, bánh trôi, rượu, gừng, muối ớt, cơm thịt. Đặc biệt, việc cúng tổ tiên trong những ngày tết của người Hà Nhì là do phụ nữ đảm nhiệm. Nơi thờ cúng bên nội được đặt ngay bên đầu giường của vợ chồng gia chủ. Nơi thờ bên ngoại được đặt ở góc cuối giường của vợ chồng gia chủ.

    ko-gian-trong-ngoi-nh-truyen-thong-nguoi-ha-nhi.jpg

    Không gian chính của ngôi nhà người Hà Nhì 

    Trong những ngày tết, khắp bản đâu đâu cũng tưng bừng nhộn nhịp, những người cao tuổi cùng nhau đi chúc Tết các gia đình với những lời chúc tốt đẹp và tình cảm chân thành. Tại các bữa tiệc đầu xuân năm mới, người khách quý nhất sẽ được mời một mâm riêng, con cháu nội ngoại đều đến chúc tết ông bà và cúi lạy bàn thờ tổ tiên. Được ông bà chia lộc và chúc phúc. Bên mâm rượu họ cùng nhau ôn lại những thành quả lao động, những câu chuyện về lai lịch dòng tộc hay cùng nhau chia sẻ những công việc trong năm tới. Đặc biệt vào ngày mùng 1 tết người Hà Nhì rất thích các em bé từ 12 tuổi trở xuống không kể gái hay trai đến xông nhà, vì đó là điều vui vẻ, may mắn cho cả gia đình.

    Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì sôi động nhất phải kể đến là khu vực múa hát cộng đồng. Cùng với tiếng sáo bay bổng, tiếng chiêng rộn rã, như mời gọi du khách gần xa đến với ngày hội tết càng đông, các trò chơi dân gian truyền thống như đánh cù, đánh cầu được các chàng trai, cô gái thể hiện say sưa, nhiệt tình. Bên những bộ trang phục dân tộc truyền thống rực rỡ, từng đôi nam thanh, nữ tú tay trong tay với ánh mắt nụ cười trao nhau tình tứ cùng cất lên những câu ca trữ tình, những làn điệu dân ca truyền thống được lưu truyền từ đời cha ông đã được các chàng trai, cô gái thể hiện, đua tài, khoe sắc và nhiều đôi trai gái đã kết duyên vợ chồng, xây dựng được hạnh phúc của mình. Đặc biệt đối với môn chơi đu người Hà Nhì tin rằng chơi đu càng cao, càng xa là năm ấy dân bản sẽ càng ấm no, sung túc./.

    Chùm ảnh tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì

    ch-i-du.jpg

    Những cô gái Hà Nhì chơi đu để cầu mong cho một năm mới ấm no, sung túc

    Du-b-p-b-nh.jpg

    Chơi bập bênh

    tung-con.jpg

    Chơi tung còn

    co-gai-HN.jpg

    Các thiếu nữ xúng xính váy áo rực rỡ sắc màu đi chơi tết

  • Tác giả: Lưu Học - Biên Thùy