Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Lễ công bố và trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia: Múa của người Khơ mú
  • Thời gian đăng: 29/04/2022 03:53:13 PM
  • Ngày 29/4/2022, UBND huyện Điện Biên tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với nghệ thuật múa Khơ Mú.
  • Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Khơ Mú có khoảng 22 nghìn người, chiếm 3,9% dân số toàn tỉnh. Nghệ thuật múa Khơ Mú được hình thành từ các hoạt động lao động sản xuất thường ngày của họ. Vì vậy, các điệu múa Khơ Mú thường thể hiện niềm vui tươi trong mùa thu hoạch, tái hiện quá trình lao động sản xuất của con người trong từng động tác trình diễn, qua trang phục, đạo cụ, âm nhạc và tiết tấu của các điệu múa. Di sản Múa của người Khơ Mú thể hiện rõ nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào, ẩn chứa kho tàng về ngữ văn dân gian với những truyện kể về sự tích ra đời một số điệu múa, hay thể hiện tâm trạng vui tươi phấn khởi trong dịp thu hoạch mùa vụ, tham gia lễ hội và cả tâm tư, sẻ chia những gian lao vất vả trong lao động sản xuất của con người được thể hiện qua động tác trình diễn, hình thể, trang phục, đạo cụ, âm nhạc và tiết tấu của các điệu múa. Giữ gìn những điệu múa cũng đồng nghĩa với việc giữ gìn phát huy giá trị những nét đẹp, tinh túy từ trang phục, âm nhạc, đạo cụ truyền thống của người Khơ Mú sử dụng trong các điệu múa. Nghệ thuật múa của người Khơ Mú đã trở thành điểm nhấn lôi cuốn trong các dịp lễ hội, các cuộc vui của cộng đồng. 

    z3376890885730_3154d050d11b2aded357c1de01561aec.jpg Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao chứng nhận cho 8 đơn vị.

    Ngày 09 tháng 3 năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có di sản Múa của người Khơ mú, tỉnh Điện Biên. Đây là cơ sở pháp lý và khoa học, không chỉ khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc tôn vinh di sản văn hóa, mà còn là việc quảng bá, tuyên truyền, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

    Phát biểu tại buổi lễ trao chứng nhận ông: Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết “Nghệ thuật dân gian múa của người Khơ mú được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là niềm vinh dự, tự hào và đặt ra trách nhiệm lớn cho dân tộc Khơ mú trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy di sản này, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  Nghệ thuật múa của người Khơ Mú mang đậm tính dân tộc, khẳng định được bản sắc riêng có không lẫn với dân tộc nào đồng thời có tính lan tỏa rất lớn, trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội.

    z3376766195085_3ec6ddc4b2f3893ef975c47ec754c4bb.jpg

    Điệu múa ống tre của người Khơ Mú trình diễn tại lễ công bố.

    Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Múa của người Khơ mú được trao cho 7 huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ và TP. Điện Biên Phủ. Đây là điều kiện để các địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức của nhân dân trên địa bàn trong việc phát hiện, gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể; phát huy giá trị văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng.

     

     

  • Tác giả: Lưu Học