Lễ Pang Phoóng (Tạ ơn) của người Kháng (xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo) được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thời gian đăng: 05/10/2020 02:07:56 PM
Ngày 30/9/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2742/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ Pang Phoóng (Tạ ơn) của người Kháng xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thầy Mo chủ trì nghi thức cúng lễ Pang Phoóng (Tạ ơn)
Lễ Pang Phoóng thường diễn ra 03 ngày, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm.Lễ Pang Phoóng chứa đựng nhiều lễ thức dân gian hết sức sinh động và có ý nghĩa gần giống lễ tạ ơn của một số dân tộc thiểu số khác. Hằng năm, trước khi thu hoạch vụ mùa, người Kháng tổ chức lễ hội để tạ ơn tổ tiên, thần linh, trời đất đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, đồng thời cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới.
Theo truyền thuyết, Lễ Pang Phoóng bắt nguồn từ câu chuyện tình dang dở nhưng đầy lãng mãn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành thiếu nữ. Câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa, nhằm tôn vinh gốc linh, hướng con người luôn nhớ về nguồn cội.
Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Điện Biên đã có 10 di sản văn hóa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm: Lễ Gạ ma thú (lễ cúng bản) của người Hà Nhì; Lễ hội đền Hoàng Công Chất; Lễ Kin Pang Then của người Thái trắng bản Na Nát, thị xã Mường Lay; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà; Nghệ thuật xòe Thái; Mền Loóng phạt ái (tết Hoa Mào Gà hay Tết Hoa) của người Cống; Tết Nào Pê Chầu của người Mông; Bun Huột Nặm (Tết té nước) của người Lào; Lễ cấp sắc (Tủ cải) người Dao quần Chẹt ở xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa; Lễ Pang Phoóng (Tạ ơn) của người Kháng huyện Tuần Giáo.