Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Ngành văn hóa.
  • Thời gian đăng: 18/12/2024 04:03:38 PM
  • Sáng 18/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự hội nghị có đồng chí, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
  • Tháo gỡ những “điểm nghẽn”

    Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, năm 2024, toàn ngành đã quán triệt và triển khai kịp thời các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn, tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ với chủ đề công tác năm: “Tận tụy - Chuyên nghiệp - Tinh thông - Hiện đại - Đoàn kết - Kỷ cương - Tăng tốc về đích”.

    Các lĩnh vực VHTTDL đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả. Sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý Nhà nước về văn hóa" ngày càng được nâng cao và hoàn thiện, tiếp cận theo hướng chiều sâu. Bộ đã tập trung rà soát, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành với 20 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn”, “nút thắt”.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch
    Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị. 

    Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa 2024 (sửa đổi) ngày 23-11-2024, có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi tối đa cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, với mục tiêu “biến di sản thành tài sản”, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế- xã hội.

    Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045...

    Hoàn thiện thể chế pháp luật về di sản văn hóa có chuyển biến rõ rệt, tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hướng tới chuyển hóa tài sản văn hóa thành nguồn lực phát triển, nhiều di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực.

    Năm 2024 đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước; các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ.

    Thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế.

    Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.

    Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên thì ngành VHTTDL còn nhiều khó khăn, hạn chế.

    Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ tin tưởng, sau hội nghị, toàn ngành sẽ sẵn sàng nguồn lực, cùng với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt để phấn đấu thực hiện chức năng: “Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch phát triển bền vững”.

    Tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược

    Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức sự kiện, thể hiện rõ tầm quan trọng của văn hóa và tinh thần hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm trung tâm.

    Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà ngành VHTTDL trên cả nước đã đạt được trong năm 2024, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của cả nước.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch
    Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. 

    Đồng tình với các tồn tại, hạn chế mà các báo cáo, các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên nhân và bài học kinh nghiệm: Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh nội sinh, chủ động, sáng tạo, nắm chắc, đánh giá đúng tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị; con người, nhất là người đứng đầu phải say sưa, đam mê, có trách nhiệm, nhiệt huyết; hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, sâu rộng; làm sao để người dân hưởng thụ thành quả của ngành một cách thỏa đáng nhất.

    Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, cần quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hệ giá trị Việt Nam thông qua VHTTDL; đồng thời Việt Nam hoa những tinh hoa của thế giới.

    Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm tăng tốc, bứt phá, về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như: Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng; 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm thành lập Nước. 2025 cũng là năm tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức, tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

    Thủ tướng chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, mà trước hết là tạo đột phá về thể chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho"; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…

    Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện, các thiết chế VHTTDL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.

    Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao, có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.

    Thứ tư, huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp.

    Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu.

    Thứ sáu, xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển.

    Thứ bảy, tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VHTTDL.

    "Ngành VHTTDL phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian; quyết đoán, quyết liệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024", Thủ tướng yêu cầu.

    Thủ tướng nhắc lại và lưu ý, phát triển văn hóa là sức mạnh nội sinh, hồn cốt của dân tộc; phát triển ngành thể thao để nâng cao thể lực, sức khỏe người dân, trong đó phát triển thể dục thể thao quần chúng theo chiều rộng, nhưng thể thao thành tích cao phải theo chiều sâu; phát triển du lịch bứt phá, là ngành mũi nhọn, gắn với văn hóa, thể dục thể thao.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới đã từng khẳng định: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm là sức mạnh trường tồn của dân tộc; phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan, đòi hỏi bắt buộc, góp phần hình thành một dân tộc mạnh khỏe; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

    Vì vậy, ngành VHTTDL có vai trò hết sức quan trọng, tác động sâu rộng, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu; vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng.

  • Tác giả: Mai Hoa
  • Khai mạc Ngày hội “Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ VIII năm 2021”
  • Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên tham gia Lễ hội du lịch và văn hoá ẩm thực Hà Nội năm 2021
  • Đoàn Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội khảo sát tuyến điểm du lịch tại huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên
  • Tăng tần suất đường bay Hà Nội - Điện Biên - Hà Nội
  • Đoàn Famtrip "Qua miền Tây Bắc - Theo dấu chân Đại Tướng" khảo sát Đỉnh Pu Tó Cọ cao 1.700m tại xã Phường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ
  • Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội khảo sát đánh giá, xây dưng sản phẩm du lịch cộng đồng, caravan mạo hiểm trên địa bàn huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên.
  • Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh hang động Hắt Chuông, xã Pa Ham, huyện Mường Chà
  • Huyện Mộc Châu tổ chức Cuộc thi sáng tác tiêu đề - biểu tượng du lịch
  • Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới
  • Lễ hội kích cầu du lịch và quảng bá văn hóa ẩm thực Hà Nội sẽ được tổ chức từ ngày 16-18/4/2021
  • Trang: 
  • 761-770 of 993<  ...  72  73  74  75  76  77  78  79  80  81  ...  >