Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Đầu năm đi lễ đền, chùa
  • Thời gian đăng: 12/02/2024 11:23:19 AM
  • Đi lễ đền, chùa đầu năm để ước nguyện, cầu bình an cho một năm mới là một trong những hoạt động không thể thiếu của nhiều người dân Điện Biên trong dịp tết đến, xuân về. Mọi người đến chùa không chỉ để cầu những điều may mắn cho bản thân, gia đình, mà còn dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa…

    Những ngày đầu năm mới, hàng nghìn người dân đến thắp hương, vãn cảnh tại các đền, chùa.

    Cùng nhau đi lễ đền, chùa vào ngày đầu tiên của năm mới là việc làm mà gia đình ông Nguyễn Mạnh Cường, tổ dân phố 3, phường Tân Thanh, TP. Điện biên phủ luôn duy trì từ nhiều năm nay. Ông Cường cho hay: Mỗi khi đến cửa đền, chùa, tôi thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, mọi muộn phiền, lo âu của cuộc sống dường như được hóa giải. Thắp nén hương thơm với lòng thành kính cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình, cầu cho năm mới mọi người được bình an, con cái chăm ngoan, học giỏi; mong những điều tốt đẹp đến với mọi người, với quê hương, đất nước.

    Dâng hương cầu bình an, tốt lành cho năm mới tại Đền Hoàng Công Chất.

    Những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, tại các đền, chùa trên địa bàn tỉnh rộn ràng không khí du xuân lễ chùa cầu an. Đền Hoàng Công Chất những ngày đầu năm mới này, đã có hàng nghìn người dân đến thắp hương, vãn cảnh. Ghi nhận tại đây, công tác quản lý hoạt động tại Đền diễn ra khá nền nếp, đảm bảo sự thành kính, tôn nghiêm nơi cửa Đền.

    Cả gia đình cùng nhau lưu lại khoảnh khắc đẹp khi đi lễ chùa.

    Với nhiều gia đình, đi lễ đầu năm không chỉ để ước nguyện, mà còn là khoảnh khắc để con người hòa mình với chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Giữa không gian tĩnh lặng trang nghiêm, tiếng chuông chùa ngân vang cùng khói hương trầm ấm áp khiến cho bộn bề, lo toan dường như tan biến. Gác lại những lo toan, lòng người cảm thấy thư thái, an yên và hướng đến khát vọng một năm mới an lành, tốt đẹp.

    Góp thêm sắc xuân nơi đất phật.

    Đối với các bạn trẻ, đi lễ đầu xuân cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình, cũng là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân, hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc. Anh Nguyễn Tiến Long ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên chia sẻ: Hằng năm, ngay sáng mùng 1 Tết, tôi và bạn bè thường đi lễ Đền Hoàng Công Chất. Tới đây, chúng tôi vừa tham quan, chụp ảnh, vừa thắp hương dâng lễ để cầu ước cho một năm mới bình an, may mắn, tài lộc, mọi sự được hanh thông.

    Đầu năm mua muối cầu may.

    Ngoài Đền Hoàng Công Chất, nhiều gia đình ở TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên lựa chọn đi lễ cầu may đầu năm mới tại các địa điểm như: Chùa Linh Quang, Điểm văn hóa tâm linh Linh Sơn. Người dân đi lễ chùa còn để xin chữ đầu năm, xin quẻ vận mệnh năm mới, xin lộc bình an như muối, gạo, bao diêm, bật lửa… để đem về nhà cất giữ như cầu may cho cuộc sống và học hành thi cử của con cái.

    Tiếng chuông chùa ngân vang khiến bao bộn bề, lo toan dường như tan biến.

    Theo quan sát của chúng tôi, đa số người dân, du khách đến các đền, chùa đều có ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cũng sớm triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự khu vực các đền, chùa. Ngoài ra, ban quản lý các đền, chùa cũng cử các phật tử, thanh niên phục vụ, tiếp đón người dân đến chùa một cách chu đáo, tận tình và đảm bảo sự thành kính, tôn nghiêm.

    Xin chữ đầu năm tại Chùa Linh Quang.
    Khu ẩm thực tại Đền Hoàng Công Chất được bố trí gọn gàng, đảm bảo vệ sinh.

    Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30/1/2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đề nghị không đốt vàng mã tại các chùa. Bên cạnh văn bản chỉ đạo hay nỗ lực của các địa phương, chính ý thức của người dân mới tạo ra môi trường văn hóa, văn minh tại những chốn linh thiêng. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức khi đi lễ đền chùa, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng. Chữ an, chữ phúc chỉ có được khi mỗi ngày sống tốt, làm điều thiện và gieo hạnh phúc.

    Bài, ảnh: Thu Hằng
  • Huyện Tuần Giáo tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Pang Phoóng (Tạ ơn) của dân tộc Kháng
  • Khai mạc Ngày hội “Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ VIII năm 2021”
  • Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên tham gia Lễ hội du lịch và văn hoá ẩm thực Hà Nội năm 2021
  • Đoàn Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội khảo sát tuyến điểm du lịch tại huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên
  • Tăng tần suất đường bay Hà Nội - Điện Biên - Hà Nội
  • Đoàn Famtrip "Qua miền Tây Bắc - Theo dấu chân Đại Tướng" khảo sát Đỉnh Pu Tó Cọ cao 1.700m tại xã Phường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ
  • Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội khảo sát đánh giá, xây dưng sản phẩm du lịch cộng đồng, caravan mạo hiểm trên địa bàn huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên.
  • Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh hang động Hắt Chuông, xã Pa Ham, huyện Mường Chà
  • Huyện Mộc Châu tổ chức Cuộc thi sáng tác tiêu đề - biểu tượng du lịch
  • Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới
  • Trang: 
  • 761-770 of 994<  ...  72  73  74  75  76  77  78  79  80  81  ...  >