Xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông có Tháp Mường Luân, di tích kiến trúc nghệ thuật cổ nằm bên bờ sông Mã, có mó nước khoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông, cùng với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ hữu tình mà bên cạnh đó, Mường Luân còn được biết đến với những món ăn truyền thống, độc đáo của người dân bản địa, mà tiêu biểu trong đó là món rêu nướng của dân tộc Lào.
Rêu được sơ chế trước khi chế biến
Có rất nhiều món được sáng tạo từ nguyên liệu rêu như canh rêu, nộm rêu, mọc rêu, rêu rán,… nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món rêu nướng. Rêu nướng được xem là đặc sản của đồng bào dân tộc Lào, bởi rêu nướng không chỉ có hương vị độc đáo mà còn tốt cho sức khỏe. Theo kinh nghiệm dân gian, thường xuyên ăn món rêu nướng sẽ giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và có tác dụng trị nhiều chứng bệnh mãn tính khác.
Đồng bào dân tộc Lào thường đi lấy rêu trên các tảng đá bên cạnh dòng sông Mã chảy qua xã. Rêu mọc nhiều ở chỗ nước chảy siết, sinh trưởng và phát triển chủ yếu nhờ nước do đó được coi là loại rau rạch, rêu đá có quanh năm nhưng mùa xuân có lẽ là mùa rêu ngon nhất. Rêu sau khi lấy về, được rửa sạch, loại bỏ phần già, sơ chế và làm cho tơi ra. Để rêu tơi, bà con thường để rêu lên một tảng đá hoặc thớt rồi dùng chày gỗ đập. Bước này đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận để tránh rêu không bị nát. Sau đó, rêu được rửa sạch, để ráo nước rồi tẩm ướp các gia vị như: sả, tỏi, lá mùi tàu, lá chanh, lá rau răm, ớt, hạt dổi, mắc khén, muối, mì chính… Rêu được ép mỏng và gói vào nhiều lớp lá chuối đem nướng trên bếp than hồng. Khi lớp lá chuối cháy xém giòn ra và có mùi thơm, dùng ngón tay ấn vào thấy mềm mềm là rêu đã chín. Khi thưởng thức, rêu có vị đắng nhẹ nhưng khi ăn xong sẽ để lại vị ngọt dịu đặc trưng.
Món rêu sau khi nướng
Đến xã Mường Luân, được trải nghiệm đi lấy rêu bên dòng sông Mã, tự tay chế biến món rêu nướng thơm ngon, lạ miệng và bổ dưỡng, dù chỉ một lần thưởng thức thôi để cảm nhận hương vị của một món ẩm thực độc đáo, giản dị nhưng gần giũ đảm bảo du khách sẽ nhớ mãi không quên.