• Bánh chưng gù - Nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực dân tộc Thái Điện Biên
  • Thời gian đăng: 23/11/2020 02:24:21 PM
  • Tết cổ truyền in đậm trong dấu ấn mỗi người con miền Nam là đòn bánh tét, miền Bắc là những chiếc bánh chưng xanh vuông vức, còn với người Thái ở Điện Biên là những chiếc bánh chưng gù với hình dáng đặc trưng và hương vị độc đáo không thể thiếu mỗi khi dịp tết về.
  • b-nh-g-2.png

    Những chiếc bánh trưng được gói khéo léo và mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái

    Bánh chưng là món ăn đặc trưng luôn có trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình người Việt vào mỗi dịp Tết cổ truyền. Thông thường bánh được làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt heo bên ngoài được gói lá dong nên có màu xanh khá, hình dáng vuông vắn đẹp mắt. Thế nhưng với người Thái ở Điện Biên, bánh chưng lại có hình giống ngọn núi. Tương truyền, hình ảnh người phụ nữ đang đeo gùi trên lưng cúi xuống hái lúa, hái ngô trên nương rẫy chính là nguồn cảm hứng để tạo nên hình dạng của chiếc bánh chưng gù Điện Biên. Chiếc bánh chưng của đồng bào dân tộc Thái đã trở thành món ngon lan xa bởi sự độc đáo trong nguyên liệu và cách chế biến đã tạo nên hương vị khác biệt.

    Bánh chưng gù, theo tiếng Thái gọi là khảu tổm, đây là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Nó làm nên hương vị, không khí cho bữa cơm gia đình thêm ấm cúng. Tuy nguyên liệu chế biến khá đơn giản, song để đảm bảo cho bánh có hương vị ngon, đẹp thì công đoạn chuẩn bị nguyên liệu được thực hiện rất kỹ càng. Lá dong được chọn là những lá không to quá cũng không nhỏ quá, không non quá mà cũng không già quá, nhìn lá bóng, xanh đậm, cuống nhỏ. Khi chọn được lá dong ưng ý, đem rửa sạch sẽ, phơi chỗ thoáng gió.

    Gạo để gói bánh chưng gù là loại nếp nương, hạt bóng mẩy và đều nhau. Gạo ngâm khoảng nửa ngày bằng nước lạnh sau đó vo qua, để ráo nước và xóc muối trắng lượng vừa phải cho thêm vị đậm đà.

    Đỗ xanh tách vỏ, có màu vàng óng tượng trưng cho một năm mới tràn trề tài lộc, thịnh vượng. Nhân bánh là thịt lợn thường là thịt ba chỉ, phần mỡ vừa tạo để cho bánh béo ngậy vừa tượng trưng cho sự khỏe mạnh của gia chủ, phần nạc đỏ hồng có ý nghĩa mang nhiều niềm vui cho năm mới. Thịt thái miếng to đều, ướp gia vị vừa đủ, rắc ít hạt tiêu để thêm hương nồng nàn và đặc biệt sau khi bánh chín sẽ có mùi thơm và vị cay nhẹ. Thứ đặc biệt hơn cả làm cho chiếc bánh chưng gù khác với bánh chưng đơn thuần là gia vị thảo quả. Thảo quả có vị rất đặc trưng khiến cho mùi thơm của chiếc bánh càng thêm dậy mùi và đậm vị.

    b-nh-ch-ng-g-i-n-bi-n.jpg

    Những chiếc bánh mang hình dáng một ngọn núi

    Khảu tổm của người Thái được gói theo một hình nhất định giống hình một ngọn núi. Phần lưng lồi lên giống như hình đỉnh núi và được bao quanh bởi các đường lạt chạy ngang thân bánh. Cách gói như sau: đặt 2 lá dong ngược chiều nhau, cho 1 bát ăn gạo, lấy một nửa nắm đậu xanh dàn mỏng đều lên gạo, xếp thịt vào giữa rồi tiếp tục cho phần đậu xanh còn lại, phủ gạo lên trên cùng, bẻ gập lá hai đầu lại rồi buộc lạt chéo chữ V. Bánh nào có phần gù càng cao, cân đối thì càng đẹp và càng thể hiện được sự khéo léo của người phụ nữ. Chiếc bánh đẹp nhất sẽ được chọn để thờ cúng tổ tiên. Lá bánh còn thừa cho cả vào nồi cho thêm hương và giữ nhiệt khi đun. Thường luộc bánh bằng củi sẽ thơm ngon và nhừ hơn. Bánh chưng gù vớt ra nghi ngút khói, để nguội trong cái lạnh giao mùa và hương vị đất trời.

    Người Thái quan niệm bánh chưng gù có đẹp, có ngon thì phước lộc, an khang mới đầy nhà năm ấy. Đặc biệt hơn, đó cũng là tín hiệu ông bà, tổ tiên “đón” được những đứa cháu ngoan ngoãn, giỏi giang cho gia đình. Chính vì bánh chưng gù mang một ý nghĩa thiêng liêng như vậy, nên làm ra một chiếc bánh mới cần cầu kỳ, kỹ lưỡng.

    Cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng đối với cộng đồng dân tộc Thái Điện Biên, chiếc bánh chưng gù vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và đó cũng là niềm tự hào của mỗi người con dân tộc Thái khi được giới thiệu với bạn bè về món bánh truyền thống của dân tộc mình./.

  • Tác giả: Quỳnh Mai, ảnh sưu tầm