NHỮNG ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC CỦA DU LỊCH ĐỐI VỚI CÁC BẢN VĂN HÓA
Thứ tư - 25/06/2014 03:22
Chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa đã làm cho người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Năm 2004, thực hiện Đề án tổ chức, xây dựng bản văn hóa để phục vụ khách tham quan du lịch. Tỉnh Điện Biên đã đầu tư hỗ trợ xây dựng 8 bản văn hóa của đông bào dân tộc trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên phục vụ khách du lịch tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm thực tế các giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. Qua 10 năm triển khai thực hiện, hoạt động du lịch cộng đồng tại các bản đã thu được một số kết quả đáng trân trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch Điện Biên.
Chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa đã làm cho người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Do đó nhiều hộ gia đình đã chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động cải tạo nhà ở và nhà vệ sinh. Tại bản Him Lam 2 đã có 12 gia đình có đủ cơ sở hạ tầng đón khách du lịch nghỉ tại nhà. Thu nhập bình quân của những hộ tham gia vào hoạt động du lịch là 48 triệu/năm, những hộ không tham gia vào hoạt động du lịch là 39 triệu/ năm. Còn bản Mển, thu nhập bình quân của những hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch là 35 triệu/năm, thu nhập bình quân của những hộ gia đình không tham gia hoạt động du lịch là 28 triệu/năm. Trước năm 2004, có tới 20% số hộ trong bản Mển thuộc diện đói nghèo, nhưng đến nay tỉ lệ này chỉ còn dưới 5%. Hiện nay tất cả trẻ em đã được đến trường, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Hoạt động du lịch góp phần trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian, các ngành nghề truyền thống. Các sinh hoạt văn hóa truyền thống như: ca, múa, nhạc, lễ hội… được khôi phục và đã trở thành sản phẩm du lịch được rất nhiều khách du lịch tìm hiểu, trải nghiệm. Hiện nay mỗi bản đều có một đội văn nghệ và nấu ăn từ 15 – 20 người phục vụ khách có nhu cầu thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn nghệ. Thu nhập của người tham gia trực tiếp đạt từ 50.000 – 100.000đ/người/đoàn khách. Số người tham gia làm nghề thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm cũng tăng: bản Mển là 56 người, bản Ten là 60 người, bản Him Lam 2 là 43 người. Những sản phẩm này đã được rất nhiều du khách lựa chọn làm quà lưu niệm mang về cho mình, người thân và bạn bè.
Du lịch làm giảm các tệ nạn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho các hộ dân trong bản. Trước đây cả bản Him Lam 2 sống bằng nghề trồng ngô, trồng lúa nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, thời gian lao động dư thừa nhiều. Sau khi du lịch cộng đồng được triển khai, bà con trong bản đã tận dụng cơ hội này khôi phục nghề dệt thổ cẩm, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực để cung cấp sản phẩm cho du khách. Tại bản Mển số hộ tham gia vào hoạt động du lịch là 34 hộ chiếm 30% số hộ trong bản. Bản Him Lam 2 có 25 hộ tham gia vào hoạt động du lịch chiếm 17,2 % số hộ trong bản. Điều này đã góp phần làm giảm người thất nghiệp kéo theo nó là các tệ nạn xã hội như: nghiện hút, buôn bán ma túy, mại dâm giảm đáng kể.
Hoạt động du lịch đã tạo điều kiện cho người dân bản địa giao tiếp với khách du lịch, qua đây giúp người dân tăng thêm sự hiểu biết về văn hóa, giáo dục, y tế, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu từ xa xưa nhưng ko làm mất đi nền văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Không những thế, du lịch còn làm cho quan hệ cộng đồng “Bản” về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội đoàn kết hơn, cùng nhau xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa giàu mạnh, giữ gĩn một môi trường chung xanh, sạch, đẹp.
Hiện nay, Điện Biên đang xác định việc phát triển du lịch cộng đồng tại các bản của đồng bào các dân tộc trên địa bàn là hướng đi cần thiết và quan trọng để đa dạng hóa các loại hình du lịch, khai thác tốt các giá trị văn hóa độc đáo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, mang lại nhiều trải nghiệm lý thú và hấp dẫn đối với các khách du lịch khi đến thăm mảnh đất anh hùng lịch sử và giàu bản sắc văn hóa.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo