• Lễ Kin Pang Then của người Thái trắng thị xã Mường Lay
  • Thời gian đăng: 09/03/2020 04:07:12 PM
  • Lễ Kin Pang Then là một trong những di sản đặc biệt được người Thái trắng ở thị xã Mường Lay. Theo tiếng Thái, “Kin” có nghĩa là ăn, ăn mừng; “Pang” là lễ, người dự lễ; “Then” là chỉ các vị thần linh ở Mường Trời.
  • Lễ Kin Pang Then thường diễn ra vào dịp đầu xuân (sau tết Nguyên đán), từ rằm tháng Giêng đến trước rằm tháng Ba hàng năm, cứ 3 năm lại tổ chức lớn một lần. Lễ do người làm Then tổ chức để gặp mặt các con nuôi về tạ ơn, mừng mệnh Then được“vững như trụ bạc, chắc như trụ vàng”. Lễ thường diễn ra từ 3 đến 5 ngày, cũng có thể dài hơn hoặc ngắn hơn tùy thuộc vào số lượng con nuôi của Then nhiều hay ít. Nhưng dù được tổ chức to hay nhỏ, dài hay ngắn Lễ Kin Pang Then vẫn luôn được tổ chức với tính trang nghiêm, trọng thể đầy đủ các nghi thức của Lễ và các trò vui của hội theo quy ước truyền thống.

    Th-y-Then-l-m-l-.jpg

    Thầy then đang làm lễ

    Người Thái Trắng quan niệm, mỗi người làm Then đều có một vị thần vừa che chở vừa giúp thầy Then chữa trị bệnh tật, cứu giúp con người. Lễ Kin Pang Then gồm nhiều lễ thức,trong lễ có hội. Để thực hiện nghi lễ, việc đầu tiên phải dựng và trang trí cây pang, sửa soạn bàn thờ Then và các vật dụng làm lễ. Các nghi lễ được thầy Then thực hành trước bàn thờ Then, thầy Then vừa đàn vừa hát trong quá trình thực hiện các nghi lễ như: Mừng chúc lễ Kin Pang Then (chụm kiệu pang); Ra mắt, mời rượu (ók nả, mợ lảu); Niệm chú xin thông họng (cặm măn khọ púng); Trình báo bàn thờ kiểm tra lễ (lau chơng pạn then); Mở đường (đóng tạng); Then lên núi (Pú khău sam bắc) Then Dâng lễ thần núi (Pú khău sam bắc); Hành trình lên Mường Trời; Mời Vua Trời, Vua Then (mợi Pô Phạ, Pô Then) về dự lễ; Mời vua trời, vua then vào dự lễ; Tiễn Vua Trời, Vua Then, trai thần (xúng báo xôông); Tiễn thày của Then; Quét hoa tàn…. Toàn bộ những lời khấn, lời hát trong nghi lễ của thầy Then không lưu giữ bằng văn bản mà nằm trong tâm thức của các ông (bà) then và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xuyên suốt diễn trình Lễ thông qua các làn điệu then cổ do thầy Then thể hiện diễn tả hành trình Lễ đầy sống động đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật làm rung động trái tim người nghe, cuốn hút mê say mọi lứa tuổi.

    Bên cạnh việc thực hiện các nghi lễ tạ Then của các con nuôi, tất cả người tham dự còn múa hát quanh cây pang trong tiếng chiêng, trống, tiếng đàn hát rộn ràng, người giúp việc của chủ lễ đứng vòng trong chúc rượu cộng đồng; các chị, các mẹ tung gạo tượng trưng cho cơn mưa; mọi người cùng chơi trò cày bừa, gieo hạt, chọi trâu, hái nấm và các trò chơi dân gian như: tung còn, chơi tó má lẹ, đánh cù.

    M-i-ng-i-ca-h-t-m-a.jpg

    Các Cô gái Thái múa hát trong Lễ Kin Pang Then

    Khi kết thúc nghi lễ, chủ lễ hát lời gọi âm binh và tiễn các quan Then về mường Trời. Thầy Then hát lời cảm tạ và tiễn các thần linh, quan tạo bản mường, thầy của chủ lễ, hẹn năm sau lại về dự lễ. Thầy của chủ lễ được mời trở về ngự tại bàn thờ Then. Mọi người lại múa quanh cây pang, múa điệu quét hoa tàn trong tiếng trống, chiêng và tiếng đàn hát của chủ lễ. Sau đó, mọi người cùng hạ cây pang, thu dọn không gian lễ và cùng ăn bữa cỗ lộc thần linh. Chủ lễ dừng đàn, cho treo đàn bên cạnh bàn thờ Then và chia tay các con nuôi, bà con, hẹn đến dự lễ năm sau.

    th-y-Then-t-ch-c-l-Kin-Pang-Then-g-p-m-t-c-c-con-nu-i-v-m-ng-m-nh-Then-c-v-ng-nh-tr-b-c-ch-c-nh-tr-v-ng.jpg

    Thầy Then tổ chức lễ Kin Pang Then để gặp mặt các con nuôi về mừng mệnh Then được “vững như trụ bạc, chắc như trụ vàng"

    Lễ Kin Pang Then được tổ chức hàng năm không những đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cộng đồng mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật và sinh hoạt vui chơi giải trí, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, xây đắp nên khối đoàn kết cộng đồng tạo bầu không khí vui tươi lành mạnh, nhắc nhở con người phải sống có đạo lý, gắn bó với anh em họ hàng bà con trong bản mường. Bên cạnh đó, còn góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát then, hát dân ca, múa xòe, nghệ thuật tạo hình trang trí, tri thức bản địa và các tín ngưỡng tâm linh cổ

    Du khách đến với Lễ Kin Pang Then sẽ được thưởng thức các làn điệu Then trong nghi lễ hòa cùng nhạc đệm Tính tẩu, được tìm hiểu, nghiên cứu cách trang trí, chuẩn bị cho nghi lễ; trình tự, cách thức thực hiện nghi lễ giữa thầy Then với các con nuôi đến tạ ơn và cuối cùng là tham gia xòe cùng cộng đồng.

    Với những giá trị đặc biệt trên, Lễ Kin Pang Then được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015.

    Hiện nay di sản Nghệ thuật Then Thái đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

  • Tác giả: Mai Hoa, ảnh Vũ Lợi VOV