• Lễ Cầu mùa (Tê Hrệ) của đồng bào dân tộc Khơ Mú
  • Thời gian đăng: 11/09/2020 01:57:21 PM
  • Đồng bào dân tộc Khơ Mú còn có một số tên gọi khác như Kmụ, Xá Cẩu, Tày Hạy, Mứn Xen, Pu Thềnh, Tềnh,…. Ở Điện Biên, cộng đồng người Khơ Mú là một trong những cộng đồng sinh sống lâu đời và tập trung nhiều nhất ở các huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông và huyện Mường Chà. Đồng bào dân tộc cư trú theo làng bản và có một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, góp phần quan trọng làm nên dấu ấn vô cùng độc đáo riêng biệt.
  • Đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương, vì vậy cây lúa có vai trò rất quan trọng trong đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần. Sản phẩm từ cây lúa không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực cho con người và vật nuôi mà nó còn là một trong những lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ nông nghiệp và những nghi lễ cầu cúng thần linh. Nằm trong hệ thống những nghi lễ nông nghiệp, Lễ Cầu mùa (Tê Hrệ) là một nghi lễ rất độc đáo, mang nét đặc trưng khác biệt.

    Lễ Cầu mùa được tổ chức mỗi năm một lần vào khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch, thời điểm mà cây lúa đang phát triển, lên lá xanh tốt, công việc nương rẫy lúc này đã vào giai đoạn nông nhàn, cộng đồng, làng bản sẽ cùng tham gia tổ chức Lễ Cầu mùa nhằm thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến các giống cây trồng, đặc biệt là “mẹ lúa” đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu, bà con dân bản từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ngày tổ chức lễ thường được lựa chọn ngày đẹp (theo quan niệm ngày đẹp là ngày đầu tháng, đầu tuần trăng để tiến hành nghi lễ, tránh chọn ngày mất của cha mẹ hoặc các thành viên trong gia đình).

    Theo nghi thức truyền thống, trước khi tổ chức lễ khoảng một đến hai tháng, các gia đình trong bản sẽ họp bàn, thống nhất việc chọn và ấn định ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ, chuẩn bị đóng góp các lễ vật, phân công công việc tổ chức cúng lễ cầu mùa. Để thực hiện lễ cúng này, bà con dân bản phải chuẩn bị các đồ lễ gồm: Một con lợn và hai con gà, đây là những lễ vật chính để dâng cúng trong nghi lễ. Lễ vật càng to càng thể hiện quy mô của lễ cầu mùa cũng như sự sung túc của bà con dân bản. Ngoài ra, không thể thiếu một chai rượu, một bát nước, một gói chè, hoa quả, tiền vàng mã, hai bộ quần áo dân tộc (một bộ nam, một bộ nữ), 4 sải vải dân tộc, nến sáp ong... Đặc biệt là một bó lúa, đây được coi là vật biểu trưng nhất và là “linh hồn” của lễ cầu mùa.

    L-c-ng-c-u-m-a.jpg

    Bà con dân bản chuẩn bị ra vị trí chọn để cúng lễ 

    Khi đến ngày đã định, vào sáng sớm người dân trong bản sẽ có mặt đông đủ tại mảnh nương được chọn để tổ chức nghi lễ. Khai lễ, thầy cúng trong bộ trang phục truyền thống màu chàm đen, đầu quấn khăn cùng với những người phụ lễ sẽ mang đồ lễ ra nơi có lán nương. Đội phụ lễ sẽ dựng một cái giàn, tiếng Khơ Mú gọi là “Rang tê”, được dựng bởi 4 cột tre, nối 4 xà giữa các cột và đặt một cái phên đan bằng tre ở giữa, cao khoảng 80 cm để thầy cúng bày đồ lễ lên. Khi mọi thứ sắp đặt xong, thầy cúng thắp một cây nến sáp ong trên mâm lễ, rót rượu vào hai chén. Lúc này những người phụ lễ tiến hành cắt tiết lợn và hai con gà, đồng thời bôi tiết lên ba tấm phên đan. Hai cái phên đan sẽ cắm hai bên mâm lễ, cái còn lại cắm phía thầy cúng để ngăn chặn ma tà không được mời gọi đến tranh phần các thần linh. Rồi thầy cúng hướng về mâm lễ, chắp tay lạy bốn hướng và bắt đầu khấn cúng, mời thần linh về chứng nhận đồ lễ. Kết thúc quá trình mời thần linh chứng nhận đồ lễ, thầy cúng giao cho các thành viên phụ lễ mang đồ lễ đi chế biến, nấu nướng chín. Tiếp đến thầy cúng tự tay bày đồ lễ đã chín lên giàn để khấn cúng, mời các thần linh hưởng thụ đồ lễ và phù hộ cho dân bản. Trong lúc khấn, thầy cúng dùng tay bốc một nắm xôi nhỏ chấm vào đồ lễ, đồng thời đổ rượu, mước ra ngoài mâm lễ với quan niệm mời các vị thần linh hưởng thụ.

    Nghi-l-c-ng.jpg

    Thầy Cúng tiến hành nghi thức cúng Cầu mùa

    Khi cúng xong, nhóm người đã được phân công trước đó sẽ tiến hành hạ cỗ, bày đồ dâng lễ ra tại chỗ. Sau khi thầy cúng làm nghi thức mời các vị thần linh thì mọi người cùng uống rượu trong không khí vui vẻ, cùng chúc mừng cho nhau mạnh khỏe, vạn sự tốt lành, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.

    C-u-m-a-3.jpg

     Xong phần nghi lễ được tổ chức trên nương rẫy, đồng bào trở về tập trung tại nhà thầy cúng để tổ chức phần giao lưu, chơi hội. Tại đây mọi người sẽ cùng hòa mình vào những lời ca, điệu múa, trình diễn nhạc cụ dân tộc và đặc biệt là cùng tham gia vào điệu múa đặc trưng của người Khơ Mú cùng điệu múa sạp là việc không thể thiếu trong lễ cầu mùa, đây là điệu múa để cầu mưa xuống cho cây lúa đơm bông, kết hạt tươi tốt.

    Lễ cầu mùa là một trong những nghi lễ độc đáo và tiêu biểu của người Khơ Mú, thể hiện niềm tin, khát vọng của con người hướng tới những điều tốt đẹp trong lao động sản xuất và lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Đến với Điện Biên, tìm hiểu tham quan văn hóa bản địa, được chứng kiến những nghi thức trong lễ cầu mùa rồi cùng được hòa mình vào điệu múa xòe, múa sạp sẽ là những trải nghiệm cực kỳ thú vị và hấp dẫn đối với rất nhiều du khách trong nước và quốc tế./.

  • Tác giả: Thu Trang; ảnh Bảo tàng tỉnh