• Một số thông tin cần biết về khu vực biên giới
  • Thời gian đăng: 22/09/2020 09:15:09 AM
  • Điện Biên là tỉnh miền núi, có đường biên giới dài 455,573 km, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và 02 tỉnh Phong Sa Ly, Luông Pha Băng (Lào), trong đó có 29 xã biên giới (khu vực biên giới), thuộc 4 huyện: Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé. Một số xã biên giới có các danh lam thắng cảnh và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch như: Cực Tây A Pa Chải, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, nước khoáng nóng Hua Pe, Pe Luông, homestay Mường Then, Động Pa Thơm, một bản du lịch cộng đồng …
  • Để thuận lợi khi đi vào khu vực biên giới, Ban Biên tập giới thiệu một số quy định về khu vực biên giới và những thủ tục ra vào khu vực biên giới.

    Khái niệm khu vực biên giới: Khu vực biên giới gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia trên đất liền. Là phần không gian dọc theo biên giới quốc gia có chiều rộng 10km tính từ biên giới quốc gia trở vào. Khu vực biên giới, vành đai biên giới được xác định bởi hệ thống các cột mốc, dấu mốc hoặc các biển báo; biển báo theo mẫu thống nhất và cắm ở nơi cần thiết và dễ nhận biết.

    Tu-n-tra-bi-n-gi-i.jpg

    Tuần tra khu vực biên giới

    Thủ tục khi đi vào khu vực biên giới:

    - Đối với công dân Việt Nam (không phải là cư dân biên giới) phải đảm bảo các điều kiện: Có giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật; xuất trình giấy tờ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; trường hợp nghỉ qua đêm phải đăng ký lưu trú tại Công an xã, phường, thị trấn; hết thời hạn lưu trú phải rời khỏi khu vực biên giới; trường hợp có nhu cầu lưu lại quá thời hạn đã đăng ký phải đến nơi đã đăng ký xin gia hạn.

    - Đối với người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam, vào khu vực biên giới đất liền phải có giấy phép của cơ quan Công an cấp tỉnh nơi người đó thường trú, tạm trú hoặc Công an tỉnh biên giới đất liền nơi đến cấp. Cơ quan, tổ chức Việt Nam đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức chủ quản; cán bộ đi cùng phải có giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác theo quy định của pháp luật, đồng thời cơ quan, tổ chức phải thông báo cho Công an và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết trước ít nhất 24 giờ.

    Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) là cơ quan cấp Giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới cho người nước ngoài. Sau khi có Giấy phép, các cá nhân, tổ chức khi vào đến khu vực biên giới phải trình diện, báo cáo với Đồn Biên phòng và Công an xã; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng, Công an cấp xã sở tại và lực lượng chuyên ngành theo quy định của pháp luật trong suốt thời gian hoạt động trong khu vực biên giới.

    Hỗ trợ: Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Điện Biên).

    Địa chỉ: Đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ (Đối diện Cảng hàng không Điện Biên Phủ).

    Điện thoại: 0215 3827 240.

  • Tác giả: Mai Hoa, ảnh sưu tầm