• Lễ cấp sắc (Tủ cải) của người Dao quần chẹt, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa
  • Thời gian đăng: 14/02/2020 08:48:41 AM
  • Dân tộc Dao là một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, với hơn 6.000 người, sinh sống tập trung tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Tủa Chùa, thuộc các ngành Dao đỏ, Dao quần chẹt và Dao khâu. Xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa được coi là “thủ phủ” của người Dao quần chẹt
  • Cộng đồng dân tộc Dao nơi đây đang gìn giữ khá nguyên vẹn những tập quán xã hội, tín ngưỡng và tập tục văn hóa cổ truyền độc đáo, trong đó nổi bật nhất là Lễ cấp sắc (Tủ cải). Đây là nghi lễ quan trọng của một người đàn ông để được công nhận trưởng thành. Theo ngôn ngữ của người Dao, “Tủ” là báo cáo, “Cải” là đặt tên, “Tủ Cải” tức là lễ báo cáo với các thần linh, tổ tiên về việc đặt tên thứ hai (tên âm) cho người con trai trong dòng tộc. Khi cúng lễ xưng tên với tổ tiên, người Dao kiêng dùng tên thật, chỉ dùng tên âm đã được đặt trong Lễ Tủ Cải. Tên âm này sẽ được ghi trong gia phả. Khi qua đời, con cháu sẽ cúng giỗ theo tên âm.

    C-c-th-y-c-ng-trong-L-T-C-i-c-a-ng-i-Dao-qu-n-ch-t-.jpg

    Hình ảnh các thầy cúng trong lễ cấp sắc (ảnh Phan Tuấn Anh)

    Trong Lễ cấp sắc, người Dao thực hiện rất nhiều nghi lễ cúng như: Lễ cấp đèn, cấp binh mã, cấp hương, đặt tên, ngã đàn... Quy mô của Lễ cấp sắc phụ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình, có thể lựa chọn một trong năm bậc để làm lễ. Bậc thấp nhất là 3 đèn, bậc cao nhất là 12 đèn, nghi lễ không nhất thiết phải theo thứ tự đèn từ thấp lên cao.

    Phần lễ cấp đèn với nội dung xua đuổi những điều xấu xa, đón điều tốt đẹp, điều thiện cho người được cấp sắc, làm cho người được cấp sắc trở nên mạnh mẽ hơn; lễ cấp hương là đánh dấu một sự trưởng thành của người được cấp sắc. Với phần nghi lễ này, khi lớn lên người được cấp sắc cũng có thể đi làm thầy, được thắp hương và làm lễ cấp sắc.

    Lễ cấp sắc thường được tổ chức kéo dài từ 3 đến 7 ngày tùy vào điều kiện kinh tế từng gia đình, khi công việc đồng áng, nương rẫy đã gọn gàng, tức là sau vụ gặt lúa nương, khi đó trùng vào dịp cuối năm, ngày được chọn làm lễ thường từ mồng 4-7/12 (dương lịch), đây là những ngày và tháng tốt nhất trong năm theo quan niệm của người Dao quần chẹt.

    Lễ cấp sắc là một nghi thức đặc trưng và không thể thiếu được của người đàn ông Dao, được tiến hành một lần duy nhất trong đời. Người đàn ông phải trải qua lễ Cấp sắc mới được cộng đồng làng bản công nhận đã trưởng thành, được tham gia các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của dòng họ và cộng đồng. Tất cả những người làm thầy mo đều phải trải qua nghi lễ này. Thông thường những bé trai từ 5 tuổi trở lên, điều kiện kinh tế gia đình cho phép được bố mẹ và dòng họ quan tâm, tạo điều kiện để làm Lễ Tủ Cải.

    hai-c-u-b-c-l-m-l-c-p-s-c.jpg

    Hình ảnh hai em bé được gia đình làm lễ cấp sắc

    Mặc dù đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự giao thoa, hòa nhập văn hóa, Lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao quần chẹt ở xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa đến nay vẫn giữ được bản sắc riêng, luôn hiện hữu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Lễ Cấp sắc nghiêm trang trong phần lễ, phóng khoáng vui vẻ trong phần trình diễn. Không chỉ vậy, Lễ Cấp sắc còn là dịp giao thoa văn hóa cộng đồng và cũng là nơi gặp gỡ của gia đình, dòng tộc, bạn bè, để hướng đến những điều tốt lành; có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây đắp nên sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn những nền tảng, tinh hoa văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao.

    Với những giá trị văn hóa đó, ngày 22/02/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 255/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ cấp sắc (Tủ cải) của người Dao quần chẹt, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

  • Tác giả: Mai Hoa